Trong hai ngày 8 – 9/7/2019, tại TP. Hải Phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi) về tổ chức đại diện người lao động, cơ chế đối thoại tại nơi làm việc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Bình đánh giá cao sự phối hợp của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO trong việc hoàn thiện khung pháp luật về lao động và thúc đẩy thực tiễn thực thi pháp luật lao động của Việt Nam trong thời gian qua.
Thông tin về tiến độ và kế hoạch xây dựng Bộ Luật lao động (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Ngày 28/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phân công Bộ LĐ-TBXH chủ trì soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trình Chính phủ xem xét vào tháng 01/2019. Ngày 18/7/2018, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi). Ngày 16/8/2018, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã họp phiên đầu tiên để thảo luận về kế hoạch và những nội dung, định hướng lớn của việc xây dựng Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Hồ sơ Dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi) đã được chuẩn bị và đăng lên Cổng TTĐT Chính phủ và Cổng TTĐT của Bộ LĐ-TBXH và xin ý kiến góp ý các Bộ, ngành, địa phương. Bộ Tư pháp đã tiến hành thẩm định và có báo cáo thẩm định dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi) số 72/BC-HĐTĐ ngày 04/5/2019. Chính phủ đã thảo luận nội dung dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019. Theo đó, Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2019 và tiếp tục thảo luận tại kỳ họp thứ VIII tháng 10/2019.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các nội dung liên quan đến việc thành lập, hoạt động của Tổ chức đại diện người lao động, cơ chế đối thoại …góp phần bảo đảm Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết quốc tế, vừa khắc phục được những hạn chế, bất cập, đáp ứng được các yêu cầu phát triển quan hệ lao động trên thực tế.
Về sửa đổi, bổ sung về tổ chức đại diện của người lao động (NLĐ): Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 06-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ; phù hợp với Hiến Pháp 2013, theo đó, bảo đảm quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện của người lao động phù hợp với quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường và phù hợp hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản mà Việt Nam đã cam kết theo các công ước của ILO và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tổ chức đại diện của người lao động không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chỉ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động. Luật phải bảo đảm để các tổ chức này: không là tổ chức chính trị; không là tổ chức của người sử dụng lao động hoặc do người sử dụng lao động chi phối để có thể đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong quan hệ với người sử dụng lao động.
Về nội dung về cơ chế đối thoại tại nơi làm việc: Những quy định của Bộ luật Lao động hiện hành về đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể được thiết kế trên cơ sở chỉ có một tổ chức đại diện của NLĐ trong QHLĐ là tổ chức công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Trong bối cảnh đa tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, việc sửa đổi Bộ Luật lao động phải bảo đảm mọi nhóm Người lao động đều có quyền và có cơ hội có tiếng nói tham gia trong quá trình đối thoại tại nơi làm việc để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình trong quan hệ lao động./.
Theo baohiemxahoi.gov.vn