Tăng tuổi nghỉ hưu và tác động của nó đến thị trường lao động ra sao khi mà hàng năm vẫn có hàng trăm nghìn lao động trẻ xin việc… Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã lý giải và cho rằng điều này “không ảnh hưởng nhiều lắm đến cơ hội việc làm của giới trẻ”.
PV: Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động lần này tiếp tục đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Vậy có thêm lý do gì mới không, thưa ông?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Theo tôi, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu vẫn tập trung vào bốn lý do chính: Trước hết đó là Việt Nam đang nằm trong quá trình già hóa dân số. Vì thế phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai. Từ năm 2004 – 2009 mỗi năm lực lượng lao động Việt Nam tăng 1,2 triệu người nhưng từ năm 2014 – 2019, thì mỗi năm tăng chỉ 400 nghìn người, tức là chỉ tăng bằng 1/3 so với trước. Việt Nam chúng đang sắp hết thời kỳ dân số vàng và sẽ nhanh chóng chuyển sang già hóa dân số. Theo kinh nghiệm của các nước là phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần tiến hành trước khi bước sang giai đoạn già hóa dân số.
Thứ hai, để bảo đảm bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu như Công ước CEDAW về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ mà Việt Nam tham gia. Lần đề nghị này sẽ thu hẹp khoảng cách còn hai tuổi và sẽ tiến tới san bằng khoảng cách này.
Thứ ba, chúng tôi cố gắng bảo đảm phù hợp sức khỏe và nhu cầu của người lao động. Nhiều người lo ngại tuổi thọ của Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 thấp. Khi truy cập vào website của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần nhất vào ngày 6/4/2018, cho thấy Việt Nam xếp 41/183 nước. Số năm khỏe mạnh trung bình là 17 năm sau tuổi 60, cao nhất Singapore là 21 và Nhật 20,8. Việc điều chỉnh phụ nữ tăng thêm 5 tuổi và nam thêm 2 tuổi có thể khả thi khi nhìn vào số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 này.
Thứ tư, bảo đảm sự cân bằng, cân đối của Quỹ BHXH. Với việc nâng dần tuổi nghỉ hữu, số năm tham gia BHXH nhiều lên, quyền lợi của BHXH cũng nhiều hơn, giải quyết hài hòa cả hai về vấn đề là: Số năm hưởng BHXH ít đi sẽ giúp quỹ sẽ tốt lên, hai là mức hưởng BHXH tăng lên khi thời gian đóng được cải thiện.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu còn nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Trung ương.
PV: Thưa ông, Chính phủ đang thực hiện cải cách hành chính, tinh giản biên chế. Và với các lý do đề tăng tuổi nghỉ hưu như vậy sẽ tác động ra sao đến cơ hội tìm việc làm của lớp trẻ?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Hàng năm ở Việt Nam có khoảng 400 nghìn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Lực lượng này luôn bổ sung vào dòng chảy của thị trường lao động và đã được thị trường tiếp nhận. Thực tế, Việt Nam có tỷ lệ thu hút lao động trẻ khá tốt khi tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thấp hơn so với các nước trong khu vực. Tuy vậy, con số thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng theo báo cáo hằng quý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội luôn nằm chung quanh con số 200 nghìn người. Nếu thị trường không tiếp nhận, thu hút được số lao động ra trường hàng năm đó thì con số thất nghiệp sẽ tăng lên liên tục và sau ba năm có thể lên 1,4 triệu. Thực tế không phải vậy mà chỉ ở mức 200 nghìn người, chứng tỏ thị trường lao động vẫn tiếp tục tiếp nhận các lao động trẻ, các lao động ở các cơ sở đào tạo, sinh viên tốt nghiệp. Và trong thị trường bao giờ cũng có những người chờ để tìm việc làm, những người thôi công việc cũ để tìm kiếm công việc tốt hơn là chuyện bình thường của thị trường lao động. Việc nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình chậm, nâng dần như Dự thảo chúng tôi cho rằng không ảnh hưởng nhiều đến cơ hội việc làm của giới trẻ.
Hơn nữa, theo các nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế cũng khẳng định việc nâng tuổi nghỉ hưu ít ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ. Bởi những người lớn tuổi tiếp tục ở lại làm việc, tiếp tục tạo ra sản phẩm và tích lũy cho nền kinh tế và có cơ hội đầu tư trở lại thì có khi số việc làm tạo ra có thể nhiều hơn.
PV: Với những phân tích trên, nhiều người vẫn lo ngại nâng tuổi nghỉ hưu khó đạt hiệu quả như kỳ vọng. Vậy chúng ta cần bổ sung gì thêm về chính sách để yên tâm người lao động, thưa ông?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Thực tế rất hiếm có ai suốt đời chỉ làm một công việc. Đó cũng là chuyện bình thường khi còn sức còn năng lực thì làm việc này còn hết thời hoàng kim lại chuyển sang việc khác. Trẻ thì có thể làm những công việc nặng, khi về già chuyển sang công việc khác phù hợp với sức khỏe của mình. Do đó, để việc điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu lên 60, 62 thành hiện thực thì cái quan trọng là cần phải có chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Không hẳn người lao động không thể làm được đến tuổi 60, tuổi 62, mà cái chính là các chính sách hỗ trợ họ như thế nào là quan trọng nhất để phát huy hết năng lực của họ. Để giải quyết vấn đề này cần thiết kế và xử lý một loạt các vấn đề phục vụ chính sách. Thí dụ, hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt một phần chi phí về tiền lương, một phần chi phí BHXH để doanh nghiệp tiếp tục sử dụng lao động, không sa thải. Có chính sách hỗ trợ người lao động chuyển sang việc khác nhẹ nhàng hơn, phù hợp với sức khỏe của họ…/.
Theo baohiemxahoi.gov.vn