Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5 tới đây, Quyết định 166/QĐ-BHXH về Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp của BHXH Việt Nam được kỳ vọng mang đến những cải cách, giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện chế độ BHXH, BH thất nghiệp cho người dân, người lao động.
Quyết định 166/QĐ-BHXH được Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/5/2019 để thay thế các quyết định, công văn của BHXH Việt Nam trước đây trong lĩnh vực này gồm: Quyết định 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016, Quyết định 828/QĐ-BHXH ngày 27/5/2016, Quyết định 1515/QĐ-BHXH ngày 17/10/2016; bãi bỏ Công văn số 3647/BHXH-CSXH ngày 21/9/2016, Công văn số 4644/BHXH-CSXH ngày 18/11/2016.
Đây là một Quyết định lớn của BHXH Việt Nam có tính tổng hợp, thống nhất, quy chuẩn lại các hoạt động nghiệp vụ trong quy trình giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp.
Quyết định 166/QĐ-BHXH gồm 6 chương, 11 điều quy định cụ thể, chi tiết về việc: Phân cấp quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, bộ phận liên quan trong giải quyết chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp; quy định về nguyên tắc, quy trình chi trả, giải quyết cũng như từng loại hồ sơ, thủ tục cho từng chế độ BHXH, BH thất nghiệp… Những quy định này nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy định cũ; phù hợp hơn với tình hình thực tế và sự phát triển, cải cách của ngành BHXH.
BHXH Việt Nam xác định, mọi quy trình, thủ tục trong giải quyết, chi trả chế độ BHXH, BH thất nghiệp của Ngành đều được thực hiện trên nền tảng cơ sở dữ liệu tập trung thống nhất trên cả nước; lấy người tham gia, thụ hưởng làm trung tâm phục vụ.
Theo đó, căn cứ để giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp là sổ BHXH – nơi thể hiện quá trình đóng BHXH của người động được đồng bộ với cơ sở dữ liệu thu, sổ – thẻ đã được quản lý tập trung thống nhất trong cả nước.
Khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH, cơ quan BHXH phải đối chiếu sổ BHXH với cơ sở dữ liệu thu, sổ – thẻ. Sổ BHXH được đưa vào lưu trữ theo quy định sau khi đã giải quyết hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Trường hợp đã được giải quyết hưởng BHXH mà việc điều chỉnh, hủy, chấm dứt hưởng BHXH liên quan đến cơ sở dữ liệu thu, sổ – thẻ thì trước hết phải điều chỉnh lại cơ sở dữ liệu trên Hệ thống và điều chỉnh lại sổ BHXH; căn cứ cơ sở dữ liệu và sổ BHXH đã được điều chỉnh để thực hiện việc điều chỉnh, hủy, chấm dứt hưởng BHXH theo quy định.
Việc giải quyết, chi trả chế độ BHXH, BH thất nghiệp cần đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ, chính sách, đúng người hưởng. Tổ chức làm đại diện chi trả phải được BHXH Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp và quản lý người hưởng BHXH hàng tháng. Các đại diện chi trả phải tổ chức các điểm chi trả đến cấp xã phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
BHXH Việt Nam khuyến khích BHXH các tỉnh áp dụng các giải pháp trong tổ chức thực hiện để giảm hơn nữa thời hạn giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp so với thời hạn tại Quyết định 166/QĐ-BHXH này; đồng thời, nghiêm cấm cơ quan BHXH các cấp, các tổ chức làm đại diện chi trả quy định thêm các thủ tục hành chính, gây phiền hà, sách nhiều đối tượng tham gia, thụ hưởng chế độ BHXH, BH thất nghiệp…
Quyết định số 166/QĐ-BHXH cũng quy định bãi bỏ, đơn giản hoá thủ tục liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp. Đơn cử, đối với việc giải quyết chế độ Tai nạn lao động – Bệnh nghề nghiệp cơ quan BHXH bãi bỏ quy định phải có sổ BHXH, các giấy tờ khám và điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú. Đối với trường hợp tử tuất, Quyết định số 166/QĐ-BHXH cũng quy định bỏ biên bản xác minh về thân nhân hưởng chế độ tuất (Mẫu 09B-HSB), biên bản họp của các thân nhân (Mẫu 16-HSB) để tạo thuận lợi cho đối tượng hưởng…
Theo baohiemxahoi.gov.vn