Văn phòng Chính phủ vừa đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay việc không gửi và nhận văn bản giấy với 21 loại văn bản điện tử đã dùng chữ ký số. Sau ngày 10/5/2019 kết thúc thí điểm, các đơn vị gửi báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện về Văn phòng Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương thí điểm không gửi văn bản giấy đối với 21 loại văn bản điện tử đã ký số, trong đó, văn bản quy phạm pháp luật gồm: Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; văn bản hành chính gồm: Văn bản hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương; Chỉ thị; Quy chế; Quy định; Thông báo; Hướng dẫn; Kế hoạch; Đề án; Dự án; Báo cáo; Tờ trình; Công văn; Công điện; Giấy mời; Phiếu gửi; Phiếu chuyển.
Dựa trên kết quả thí điểm, Văn phòng Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về gửi, nhận văn bản điện tử báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 12/3, Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương, kết nối 95 cơ quan trung ương và địa phương. Ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm – Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ cho biết, ứng dụng trên sẽ tiết kiệm cho ngân sách 1.200 tỷ đồng mỗi năm bao gồm tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, thời gian…/.
Theo baohiemxahoi.gov.vn