Năm 2016, 91% đồng bào dân tộc có thẻ BHYT; năm 2017, là 92,05% và năm 2018, là 93,68% đồng bào dân tộc có thẻ BHYT,… là thông tin Ủy ban Dân tộc đưa ra tại Báo cáo số 14/BC-UBDT ngày 19/02/2019 về Tổng kết 09 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Báo cáo nêu rõ, trong thời gian qua, chính sách y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo hướng: Ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe.
Đã ưu tiên bố trí ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu, các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh, trang thiết bị y tế (87 trạm y tế từ Dự án Hỗ trợ Ngành Y tế của EU giai đoạn 01, 288 trạm y tế từ Dự án Hỗ trợ Ngành Y tế của EU giai đoạn 02, 58 trạm y tế từ Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên của ADB giai đoạn 02…). Bố trí kinh phí mua thẻ BHYT miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2016, 91% đồng bào dân tộc có thẻ BHYT; năm 2017, là 92,05% và năm 2018, là 93,68% đồng bào dân tộc có thẻ BHYT. Đồng thời, tạo điều kiện cho đồng bào được khám, chữa bệnh ở tất cả cơ sở y tế trên địa bàn và được Quỹ BHYT chi trả chi phí; nguồn nhân lực khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được đảm bảo về số lượng và chất lượng, các cơ sở y tế Quân – dân y tích cực khám, chữa bệnh cho nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng Làng Văn hóa sức khỏe, nếp sống vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện Chương trình Dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản (kiêm thêm nhiệm vụ cô đỡ thôn, bản) đã được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần phát huy vai trò cầu nối giữa y tế xã với người dân.
Ủy ban Dân tộc cũng cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2018, Ủy ban đã ban hành các kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, có nội dung lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh, BHYT, dân số…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe và BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Tỷ lệ bác sỹ/01 vạn dân còn thấp, thiếu cán bộ y tế có chuyên môn sâu, cán bộ người địa phương; cơ sở vật chất y tế ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thiếu, chưa đồng bộ. Đến tháng 07/2018, mới có 9.821 trạm y tế xã đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT – đạt trên 80% số trạm). Khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh có chất lượng còn hạn chế, tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số dưới 01 tuổi tử vong còn cao, tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm, khám trong thai kỳ mới đạt 71%, phụ nữ sinh con tại nhà tới 36,3%, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số là 32%.
Theo kết quả phân tích số liệu điều tra về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số và miền núi có 4.113 trạm y tế xã, trong đó, 2.788 trạm được đầu tư xây dựng kiên cố, còn 1.276 trạm bán kiên cố, cá biệt có 49 trạm chất lượng rất kém; có 2.845 trạm y tế xã có bác sỹ (chiếm 69,2%); tại 01 số tỉnh có tỷ lệ bác sĩ/trạm y tế rất thấp như Lai Châu 15,9%, Lào Cai 28,6%, Điện Biên 33,9%, Khánh Hòa 23,5%…; trong tổng số 26.557 nhân viên y tế trạm y tế xã thì có 12,3% là bác sỹ, số còn lại là y tá, điều dưỡng, nữ hộ sinh.
Về BHYT, mặc dù kết quả cấp thẻ BHYT miễn phí đạt tỷ lệ cao (năm 2018, 93,68% đồng bào dân tộc thiểu số có thẻ BHYT) nhưng số lượt người khám, chữa bệnh, cũng như chất lượng khám, chữa bệnh ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa thật sự hiệu quả. Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ khám, chữa bệnh BHYT ở tuyến xã là 21,9%; năm 2017, là 19,9%; năm 2018, là 18,5%. Tương ứng với đó, chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2016 là 2,5%; năm 2017 và 2018 là 2,6%/năm. Nếu tính cả tuyến huyện, xã, chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2016 đạt 30,3%; năm 2017, 32,6%; năm 2018, 31%.
Ủy ban Dân tộc kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, quyền và lợi ích về khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Khám, chữa bệnh theo hướng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số để người dân được thụ hưởng đầy đủ quyền được khám, chữa bệnh và chính sách theo quy định của Luật BHYT; quy định chính sách hỗ trợ bảo tồn, sử dụng các bài thuốc dân gian, phương pháp chữa bệnh cổ truyền có giá trị của các dân tộc thiểu số; đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh chất lượng cao ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Tiếp tục tăng cường bác sỹ về công tác tại bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ bác sỹ là người dân tộc thiểu số để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân./.
Theo baohiemxahoi.gov.vn