Nghịch lý chăm sóc sức khỏe cho người nghèo

Theo số liệu thống kê từ Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, tính đến 31/12/2011, tỷ lệ nhóm 20% nghèo nhất được thanh toán một phần hoặc toàn bộ chi phí KCB bằng thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) có xu hướng giảm. Điều đó cho thấy khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế của người nghèo, người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế.

KCB 091013.jpg
Khám bệnh cho bà con dân tộc miền núi

Thậm chí, ở một số địa phương đã xuất hiện kết dư quỹ BHYT do tình trạng không sử dụng hết kinh phí KCB cho người nghèo, dẫn đến hiện tượng “bao cấp ngược”, tức là “người nghèo ở miền núi hỗ trợ kinh phí KCB cho người nghèo và người giàu ở miền xuôi…”.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy người nghèo, vùng sâu, vùng xa, dân tộc miền núi, nhất là PN gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt, tỷ lệ PN sinh tại nhà ở các vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác (38% ở huyện Pác Nặm, Bắc Kạn). Số PN mắc các bệnh phụ khoa do điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường, điều kiện lao động; PN lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, nạo hút thai ở các vùng này cũng khá cao…

Theo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt một số chính sách đặc thù hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho PN nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số đang được xây dựng và hoàn thiện: sẽ hỗ trợ 100% chi phí trong KCB BHYT tại cơ sở y tế công lập từ tuyến huyện trở lên; hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân điều trị nội trú hoặc sinh con tại các cơ sở y tế công lập từ trạm y tế xã trở lên. Mức hỗ trợ tối thiểu bằng 3% mức lương tối thiểu chung/người bệnh/ngày; hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến trạm y tế, phòng khám đa khoa (PKĐK) khu vực và ngược lại cho PN đi KCB, khám thai, sinh con…

Bà Đào Minh Phương – Phó Trưởng ban Chính sách, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận xét, đây là một chủ trương rất tốt đối với PN nghèo, dân tộc thiểu số. Nhưng, bà Phương vẫn băn khoăn về những điều kiện đặt ra của chính sách. Cụ thể, bà Phương đặt ra câu hỏi: Đối với các chị chỉ đi khám phụ khoa, có cần thiết phải đặt ra yêu cầu phải sinh con theo đúng chính sách không?

Ông Hoàng Sỹ Hiền, Giám đốc (GĐ) Trung tâm Sức khỏe sinh sản, Sở Y tế Yên Bái cũng kiến nghị, Ban soạn thảo nên lưu ý đến đối tượng PN Kinh lấy chồng người dân tộc, rồi PN dân tộc lấy chồng người Kinh…, sẽ giải quyết như thế nào đối với những trường hợp này? (Thực tế, Yên Bái có rất nhiều trường hợp như thế).

Theo ông Hiền, chỉ cần quy định “PN thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số” là được hưởng chính sách đó, thay vì “PN nghèo, dân tộc thiểu số”, tránh trường hợp “bỏ sót” những trường hợp PN người Kinh nhưng lấy chồng là người dân tộc thiểu số nghèo.

Ông Nguyễn Bá Tân – GĐ Trung tâm Sức khỏe sinh sản, Sở Y tế Nghệ An cũng cho rằng, chính sách này tốt về mặt chủ trương. Tuy nhiên, hỗ trợ như thế nào (ai là người chia tiền, phát tiền…) cũng phải tính. Bởi hỗ trợ cho người nghèo là vấn đề rất “nhạy cảm”. Để hỗ trợ đúng đối tượng đã là vấn đề cực kỳ khó khăn. Vì thế, phải có sự bàn bạc rõ ràng và giao trách nhiệm cụ thể cho từng đối tượng, nếu không, không thể làm được bởi bình thường trạm y tế đã quá nhiều việc phải làm. “Nếu chúng ta làm không khéo thì sẽ rơi vào tình trạng “vẽ vòng ra rồi lại giẫm vào vòng thôi”!… – ông Tân khẳng định.

Bà Đàm Thị Liên – Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai cũng cho biết, tháng 12/2011 số PN sinh con tại nhà của tỉnh là 40%, vì thế Sở Y tế đã đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ, nhưng đến cuối năm 2012 việc làm này cũng không triển khai được do tiếp cận thủ tục rất lằng nhằng, đồng bào thì không biết chữ nên rất khó trong quá trình làm thủ tục. Mặt khác, số vi phạm chính sách DS-KHHGĐ rất nhiều, những người không vi phạm thì khó xác định là không vi phạm nên rất khó khi thực hiện.

Vì vậy, theo bà Liên, Ban soạn thảo nên cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, đúng đối tượng được hưởng. Theo bà Liên, cũng không nên phân biệt hộ nghèo và cận nghèo vì thực tế hộ nghèo và cận nghèo không khác nhau là bao. Bởi vậy, Ban soạn thảo nên thuyết phục Ủy ban DTMN, Bộ LĐTB&XH, sao cho bất cứ người khó khăn ở vùng đó đều được hưởng chính sách này.

Nguồn: phapluatvn.vn

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.