Năm 2018, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC) tiếp tục ghi nhận những kết quả khả quan, tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng công ty mẹ ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch và tăng 14,5% so với năm 2017; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 190 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch và tăng 2,2% so với năm 2017.
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) ước tính, tổng doanh thu bảo hiểm gốc năm 2018 vượt mốc 4.000 tỷ đồng. Trong đó, hai nghiệp vụ chiểm tỷ trọng lớn là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người đều đạt mốc doanh thu cao: doanh thu từ sản phẩm bảo hiểm con người dự kiến đạt 1.300 tỷ đồng, tăng gần 50%, nghiệp vụ xe cơ giới đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017.
Các kênh phân phối chính ước đạt doanh thu ấn tượng: kênh bancassurance đạt doanh thu 700 tỷ đồng, tăng 35%, hoàn thành 120% kế hoạch; kênh VNPost đạt doanh thu 620 tỷ đồng, tăng 10%; kênh môi giới và khách hàng Hàn Quốc đạt 360 tỷ đồng, tăng 30% so với năm ngoái.
ADVERTISEMENT
Với Công ty cổ phần PVI, hãng bảo hiểm này chưa công bố ước tính kết quả kinh doanh cả năm 2018, nhưng số liệu 9 tháng đầu năm 2018 cho thấy, khả năng hoàn thành kế hoạch đã nằm trong lòng bàn tay. Cụ thể, kết quả kinh doanh công ty mẹ trong 9 tháng như sau: tổng doanh thu 562 tỷ đồng, tương đương 92,6% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 348 tỷ đồng, tương đương 107% kế hoạch năm.
Năm 2018, thị trường bảo hiểm phi nhân được dự báo tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2017. Trong đó, PTI là một trong số ít doanh nghiệp bảo hiểm lớn có tốc độ tăng trưởng cao, ước tăng trưởng 25% và chiếm 9% thị phần, duy trì vị trí thứ 3. Năm 2019, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 4.500 tỷ đồng doanh thu, tăng 12%.
Cùng với lợi thế về kênh phân phối bán lẻ rộng khắp toàn quốc (hệ thống bưu điện), PTI tận dụng được lợi thế về công nghệ thông tin từ đối tác chiến lược là Bảo hiểm DB (Hàn Quốc) để từng bước chiếm lĩnh các lĩnh vực mới trên thị trường.
Ngoài PTI, dòng vốn nước ngoài đã phát huy tác dụng trong chiến lược phát triển của không ít công ty bảo hiểm phi nhân thọ khác, đặc biệt là chiến lược phát triển công nghệ thông thông tin, khách hàng, sản phẩm mới và dòng vốn ngoại tiếp tục có dấu hiệu đổ vào các doanh nghiệp Việt.
Thông tin trên một số phương tiện truyền thông Hàn Quốc mới đây cho biết, Công ty Bảo hiểm KB – một thành viên thuộc Tập đoàn Tài chính KB của Hàn Quốc và là công ty bảo hiểm lớn thứ 4 tại quốc gia này muốn mua lại 17% cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh.
Nếu thương vụ diễn ra thành công, KB Insurance sẽ vượt qua Bảo hiểm AXA để trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Bảo Minh. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn nhất của Bảo Minh, với tỷ lệ sở hữu 50,7% vốn điều lệ, sau đó là Bảo hiểm AXA với tỷ lệ sở hữu 16,7%.
Được biết, tháng 9/2017, Bảo Minh và Công ty Bảo hiểm KB đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác. Lãnh đạo Bảo Minh kỳ vọng, biên bản ghi nhớ này sẽ mở ra một trang mới trong việc mở rộng hợp tác kinh doanh giữa hai bên.
Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết được bài toán tăng vốn điều lệ và áp lực mở rộng thị trường, mà trọng hơn, sự hợp tác này giúp các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước tận dụng kinh nghiệm của đối tác để nâng cao nghiệp vụ và khả năng phục vụ khách hàng.
Năm 2019, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến duy trì tốc độ tăng trưởng trên 10%, trong đó nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và chăm sóc sức khỏe vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Năm 2019 cũng được dự báo là năm bùng nổ của các ứng dụng mua bảo hiểm mới, những sản phẩm đơn giản dễ mua, tạo nên xu hướng tiêu dùng khác biệt cho khách hàng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn