Cụ thể, theo quy định mới tại khoản đ, mục 2, Điều 12, Nghị định 151/2018/NĐ/CP của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, đại lý bảo hiểm bán bảo hiểm liên kết đơn vị chỉ cần được doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo và chứng nhận hoàn thành khóa học về sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.
Nhân viên môi giới bảo hiểm sẽ không phải đáp ứng một trong các điều kiện: Có ít nhất 1 năm kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm liên tục; hoặc có ít nhất 6 tháng kinh nghiệm làm việc liên tục trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và có chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp; hoặc có ít nhất 6 tháng kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm liên tục và có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm như quy định tại Điều 86 của Nghị định 73/2016/NĐ-CP.
Trước đó nữa, tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP, điều kiện với người tham gia môi giới sản phẩm bảo hiểm này là phải có nhất 3 tháng kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm hoặc đã có ít nhất 1 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm hoặc đã tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…
Quy định mới có hiệu lực từ tháng 11/2018.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nói rằng, việc bãi bỏ điều kiện về kinh nghiệm bán bảo hiểm là điều kiện rất tốt để các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư (UL) và tương lai không xa dòng sản phẩm này có thể chiếm đến 70 – 80% doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của khối nhân thọ.
Thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, tính đến tháng 7/2018, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 15.195,94 tỷ đồng, tăng 33,29% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 57,88% doanh thu phí khai thác mới. Tiếp theo là bảo hiểm hỗn hợp, chiếm tỷ trọng 26,41%; bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 2,73%; bảo hiểm hưu trí chiếm tỷ trọng 0,55% và các nghiệp vụ chính còn lại (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm sức khỏe (sản phẩm chính) chiếm tỷ trọng 2,4%. Doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng 10,09%.
So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu khai thác mới của các nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư tăng 55,46%, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp giảm 3,48%, nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ tăng 94,37%.
Về số lượng hợp đồng khai thác mới, chỉ trong 7 tháng năm 2018 đạt 1.222.655 hợp đồng, dẫn đầu cũng là nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư với 578.738 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 47,34%), tăng trưởng 36,59% so với cùng kỳ năm 2017, tiếp theo là sản phẩm bảo hiểm tử kỳ với 321.486 hợp đồng bảo hiểm cá nhân và thành viên trong nhóm (chiếm tỷ trọng 26,3%), tăng trưởng 74,04% so với cùng kỳ năm 2017, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp là 303.446 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 24,82%), giảm 17,79% so với cùng kỳ năm 2017…
“Cùng với việc đáp ứng nhu cầu bảo vệ của phân khúc khách hàng mới, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đẩy mạnh việc bán các sản phẩm UL nhằm cân đối lại rổ sản phẩm cho thích hợp với tình hình tài chính trên thị trường”, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.
Như vậy, cùng với rất nhiều sản phẩm UL đã được các công ty bảo hiểm nhân thọ đưa ra thị trường từ đầu năm tới nay, dự kiến từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ đón nhận thêm ít nhất 2 – 3 sản phẩm bảo hiểm thuộc dòng bảo hiểm liên kết đơn vị. Sản phẩm này được nhận định vẫn là xu hướng phát triển trong năm 2019 của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
“Trong quý I/2019, chúng tôi sẽ trình làng một sản phẩm dành cho phân khúc khách hàng cao tuổi – một sản phẩm bảo hiểm hoàn toàn mới trên thị trường cũng thuộc dòng UL”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn