“Lý” và “tình”
Về cơ bản, hợp đồng bảo hiểm là một giao kết pháp luật, nên mọi tranh chấp nếu có đều phải xử lý theo luật pháp, các công ty bảo hiểm khó có thể có quyết định khác.
Mặc dù vậy, thực tiễn hoạt động cho thấy, vẫn có những trường hợp khó quyết định giữa ranh giới “lý” và “tình”. Nhằm đảm bảo tính nhân văn của bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thường lập một hội đồng chi trả để giải quyết những trường hợp này và người quyết định cuối cùng là tổng giám đốc.
“Bảo hiểm không phải mua dễ, khó đòi như định kiến. Trên thực tế, khi giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, các công ty bảo hiểm luôn tính đến cả 2 yếu tố ‘lý’ và ‘tình’, bởi dựa vào ‘lý’ để đảm bảo việc giải quyết được thực thi theo quy định pháp luật, còn ‘tình’ là nhằm đảm bảo tính nhân văn của bảo hiểm”, đại diện một công ty bảo hiểm nói và cho biết, công ty ông vừa hỗ trợ cho một khách hàng bị bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối.
Theo vị này, nói “hỗ trợ” là bởi về nguyên tắc, khách hàng này không được giải quyết quyền lợi bảo hiểm do không trung thực trong việc khai báo tình trạng sức khỏe trước khi ký hợp đồng mua bảo hiểm.
Nhưng xét thấy hoàn cảnh khó khăn của khách hàng, nên công ty đã hỗ trợ khoản tiền nhân đạo để lo việc mai táng cho khách hàng sau khi mất. Đồng thời, lập một quỹ học bổng để giúp đỡ con của vị khách hàng này được tiếp tục đến trường, bảo đảm tương lai sau này cho bé.
“Tất cả những tranh chấp đều phải dựa vào lý để giải quyết, song công ty bảo hiểm vẫn xem xét việc hỗ trợ cho khách hàng trong điều kiện có thể nhằm thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, bảo đảm tính nhân văn của bảo hiểm”, vị đại diện trên nhấn mạnh.
Trong một trường hợp khác, lãnh đạo một công ty bảo hiểm cho biết, một khách hàng của công ty đã “khai man” số ngày nằm viện là 15 ngày, trong khi thực tế không như vậy.
Theo vị này, trong quá trình phân tích hồ sơ, công ty bảo hiểm phát hiện, với căn bệnh mà khách hàng mắc phải không cần điều trị dài ngày như vậy và theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm, công ty có thể từ chối chi trả quyền lợi.
Tuy nhiên, vì quyền lợi của khách hàng, công ty đã họp bàn với các phòng ban liên quan và xét theo các phác đồ điều trị thì bệnh của khách hàng đó nếu điều trị nội trú thì cần tối đa 5 ngày nằm viện, nên công ty vẫn chi trả tiền viện phí 5 ngày cho khách hàng này.
“Hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ đều có một đội ngũ bác sỹ, điều tra riêng để thẩm định từng trường hợp bồi thường của khách hàng nếu thấy nghi ngờ.
Trong pháp luật về kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, trung thực là một trong những yêu cầu bắt buộc. Do đó, nếu khách hàng không trung thực trong kê khai thông tin thì sẽ giành phần thiệt về mình”, một chuyên gia bảo hiểm nói.
“Thẳng tay” đối với hành vi trục lợi bảo hiểm
Bảo hiểm nhân thọ ít khi muốn làm “rùm beng” các vụ trục lợi vì công ty bảo hiểm ngại ảnh hưởng tới uy tín. Chính vì vậy, các ca trục lợi có thông tin ra hầu hết là của lĩnh vực phi nhân thọ. Dù vậy, tình trạng trục lợi bảo hiểm theo một chuyên gia trong ngành “ở đâu cũng có và Việt Nam thì luôn phổ biến”, bất chấp pháp luật đã mạnh tay hơn.
Điều khoản mẫu sản phẩm bảo hiểm ban hành kèm theo Quy chế số 4330/QCPH/BTC-BCT ngày 31/3/2017 giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương quy định: Bên mua bảo hiểm (và người được bảo hiểm trong trường hợp bảo hiểm nhóm) có trách nhiệm kê khai đầy đủ và trung thực tất cả các thông tin cần thiết để doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá khả năng chấp nhận bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm này. Việc thẩm định sức khỏe (nếu có) không thay thế cho nghĩa vụ kê khai trung thực của bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm…
Ông Ngô Trung Dũng – Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, kê khai không trung thực thông tin tiền sử bệnh đã mắc, hoặc đã điều trị khi giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; không thông báo thông tin kịp thời về những thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm, hoặc những thay đổi này thuộc phạm vi loại trừ bảo hiểm, nếu xảy ra thiệt hại không được chi trả quyền lợi bảo hiểm… là một trong những tranh chấp phổ biến giữa các khách hàng và công ty bảo hiểm hiện nay.
“Thực tế, công ty bảo hiểm vẫn linh hoạt cân nhắc giữa tình và lý trong một số trường hợp chi trả bảo hiểm, nhưng không bao giờ khoan nhượng đối với hành vi trục lợi bảo hiểm”, ông Dũng khẳng định.
Luật pháp đã quy định rõ ràng tội danh trục lợi bảo hiểm tại Điều 213 – Bộ luật Hình sự. Do đó, nếu công ty bảo hiểm nào dung túng cho hành vi vi phạm này thì bản thân công ty đó sẽ bị chịu “thiệt kép”, bởi vừa bị ảnh hưởng đến doanh thu và thương hiệu, vừa bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đại diện IAV cho hay, tuy không có con số thống kê chính xác tuyệt đối số ca trục lợi bảo hiểm, nhưng kể từ khi tội danh này được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự, các vụ trục lợi lớn đã giảm đáng kể.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn