Người có “H”: Hãy chủ động tham gia BHYT để được chi trả chi phí điều trị bệnh

Chi phí y tế với một người bình thường không may bị ốm đã là gánh nặng, với những người không may mắc bệnh HIV/AIDS, chi phí điều trị bệnh càng trở thành nỗi lo thường trực của bệnh nhân và gia đình. Chủ động tham gia BHYT để được chi trả chi phí điều trị bệnh – Đó là thông điệp được bà Hoàng Ngọc, Trường phòng Chế độ BHXH gửi đến độc giả qua nội dung trả lời phỏng vấn Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

PV: Thưa bà, theo quy định hiện hành, người nhiễm HIV có thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT không?

Bà Hoàng Ngọc: Luật BHYT không quy định nhóm đối tượng tham gia BHYT theo nhóm bệnh, kể cả người nhiễm HIV. Vì vậy, người nhiễm HIV tham gia BHYT theo nhóm đối tượng nào thì mức hỗ trợ đóng BHYT sẽ theo nhóm đó. Ví dụ: Người nhiễm HIV là người nghèo sẽ được NSNN mua thẻ BHYT; Người nhiễm HIV thuộc hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ 70% mức đóng BHYT…

PV: Thực tế hiện nay, một số người bị nhiễm HIV/AIDS sau khi ra khỏi các trung tâm giáo dục chữa bệnh không dám về quê vì sợ bị kỳ thị. Vậy những người không có giấy tờ tùy thân, không có đăng ký tạm trú có được tham gia BHYT không?

Bà Hoàng Ngọc: Nội dung này đang được Bộ Y tế nghiên cứu và sẽ có Thông tư hướng dẫn trong thời gian tới. Tuy nhiên, người nhiễm HIV cũng cần phải tuân thủ quy định của pháp luật về hộ khẩu, hộ tịch và xác định nhân thân.

PV: Trong trường hợp hộ gia đình có người nhiễm HIV không có điều kiện kinh tế tham gia BHYT cho toàn hộ mà chỉ mua riêng cho người nhiễm HIV thì có được hay không?

Bà Hoàng Ngọc: Theo quy định của Luật BHYT thì tất cả thành viên thuộc hộ gia đình phải tham gia BHYT. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc tham gia BHYT theo hộ gia đình thì việc giảm trừ mức đóng BHYT được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.

PV: Khi tham gia BHYT, người nhiễm HIV được hưởng quyền lợi như thế nào thưa bà? Thuốc kháng vi rút ARV có nằm trong danh mục được chi trả BHYT không?

Bà Hoàng Ngọc: Mức hưởng và quyền lợi hưởng của người tham gia BHYT nhiễm HIV phụ thuộc vào đối tượng và quyền lợi hưởng BHYT của đối tượng.

– Hiện nay, nhiều thuốc kháng ARV thuộc danh mục BHYT chi trả nhưng đang do ngân sách nhà nước chi trả. Tuy nhiên, theo Quyết định 1125/QÐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu y tế – dân số giai đoạn 2016-2020 thì thuốc ARV được chi trả từ quỹ BHYT từ ngày 01/01/2019.

PV: Trong trường hợp người bị nhiễm HIV phải cấp cứu nhưng không đúng tuyến thì họ được hưởng quyền lợi như thế nào?

Bà Hoàng Ngọc: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 28 Luật BHYT: Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện. Tình trạng cấp cứu là do bác sỹ quyết định. Khi đó, người tham gia BHYT sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi như đi KCB theo đúng quy định.

PV: Bà có những lưu ý gì trong quá trình đăng ký và sử dụng thẻ BHYT để người nhiễm HIV được hưởng quyền lợi tốt nhất?

Bà Hoàng Ngọc: Để được hưởng quyền lợi BHYT tốt nhất, người bệnh nên lưu ý trong quá trình đăng ký tham gia BHYT: Phải tham gia BHYT liên tục, không làm gián đoạn để ảnh hưởng đến quyền lợi KCB BHYT; Đi KCB theo đúng nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ, xuất trình đầy đủ thủ tục KCB.

PV: Theo tính toán, năm 2019 số bệnh nhân được uống thuốc ARV là 48.000 người và sang năm 2020 tăng lên 106.300 bệnh nhân. Vậy khi 100% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị và thanh toán BHYT thì liệu quỹ BHYT có đủ khả năng cân đối quỹ không?

Bà Hoàng Ngọc: Số người dùng thuốc ARV ước tính năm 2018 là khoảng 130.000 người, với tiền thuốc bình quân/người/năm là 6 triệu đồng, ước tính chi phí tiền thuốc ARV là 800-900 tỷ đồng.

Để đánh giá khả năng cân đối quỹ BHYT, không chỉ tính riêng chi phí điều trị thuốc ARV mà phải tính tổng thể các khoản chi phí KCB khác khi có điều chỉnh chính sách về BHYT. Theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam, từ năm 2016, quỹ KCB BHYT đã mất khả năng cân đối trong năm và phải lấy từ quỹ dự phòng KCB BHYT để bù đắp bội chi cho các tỉnh, thành phố (Năm 2016: số bội chi hơn 10.000 tỷ đổng; Năm 2017 ước tính chi KCB BHYT gia tăng khoảng 30% so với năm 2016).

PV: Lo ngại bị tiết lộ thông tin khi đi KCB bằng thẻ BHYT đã khiến nhiều người nhiễm HIV ngại tham gia, thậm chí không dám sử dụng thẻ BHYT. Vậy ngành BHXH làm thế nào để thông tin cá nhân của người nhiễm HIV không bị lộ khi sử dụng thẻ BHYT?

Bà Hoàng Ngọc: Hiện nay, thông tin ghi trên thẻ BHYT không có ký hiệu nào thể hiện việc người tham gia BHYT bị nhiễm HIV/AIDS. Do đó, thông tin cá nhân của người nhiễm HIV không thể bị lộ trong quá trình cấp thẻ BHYT.

Tuy nhiên, trong quá trình khám, chữa bệnh BHYT thì người nhiễm HIV dễ bị lộ danh tính, vì vậy, cơ sở KCB cần bảo mật thông tin này.

PV: Người nhiễm HIV khi tham gia BHYT có thể không khai rõ địa chỉ cụ thể nơi mình sinh sống (ví dụ như số nhà, tổ dân phố…) để bảo mật thông tin có được hay không?

Bà Hoàng Ngọc: Hiện nay, trong tờ khai tham gia BHYT không có nội dung về việc người tham gia BHYT có hay không nhiễm HIV, nên khi người tham gia BHYT nhiễm HIV làm thủ tục đăng ký tham gia BHYT vẫn cần khai đầy đủ địa chỉ nơi mình sinh sống mà vẫn đảm bảo việc bảo mật thông tin.

PV: Nếu danh tính người nhiễm HIV bị lộ trong quá trình dùng thẻ BHYT thì tập thể hay cá nhân làm lộ thông tin có phải chịu trách nhiệm gì hay không thưa ông/bà?

Bà Hoàng Ngọc: Theo quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS: nghiêm cấm việc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó (trừ trường hợp thực hiện việc phản hồi thông tin trong hoạt động giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và thông báo kết quả xét nghiệm HIV).

Trường hợp các đối tượng nêu trên có hành vi tiết lộ cho người khác thì sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, đồng thời còn bị buộc xin lỗi trực tiếp người nhiễm HIV, thành viên gia đình người nhiễm HIV và cải chính thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng nơi người nhiễm HIV sinh sống liên tục trong 3 ngày.

PV: Theo quy định hiện nay, muốn tham gia BHYT, người nhiễm HIV/AIDS phải đến xã, phường nơi cư trú hoặc tạm trú … Nhưng do lo ngại bị tiết lộ thông tin mà hiện nay họ vẫn rụt rè. Vậy họ muốn tham gia ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS được không?

Bà Hoàng Ngọc: Hiện nay, người tham gia BHYT có thể đến đại lý thu BHYT hoặc cơ quan BHXH cấp huyện để đăng ký tham gia BHYT. Trường hợp Trung tâm phòng chống HIV/AIDs là đại lý thu BHYT thì người nhiễm HIV/AIDS có thể đăng ký tham gia BHYT tại đây.

PV: Bà có lời khuyên như thế nào dành cho những người đang bị nhiễm HIV/AIDS mà chưa tham gia BHYT?

Bà Hoàng Ngọc: Để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng, người dân nói chung và người nhiễm HIV nói riêng cần tham gia BHYT./.

Trân trọng cảm ơn bà!

Theo baohiemxahoi.gov.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.