Những tháng đầu năm 2018, quỹ BHYT đã có 3.398 bệnh nhân được chi trả từ 200 – 300 triệu đồng, 1.301 bệnh nhân được chi trả trên 300 triệu đồng; quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho người tham gia được đảm bảo; số nợ BHXH, BHYT giảm; Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội Đông Nam Á lần thứ 35 (ASSA 35) được tổ chức từ ngày 18 – 20/9/2018 tại Nha Trang,….
Là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 7/2018 được BHXH Việt Nam tổ chức sáng ngày 31/7/2018, tại Hà Nội. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH), Vụ BHYT (Bộ Y tế), Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam); lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,94 triệu người; BHXH tự nguyện là 230 nghìn người; BH thất nghiệp là 11,89 triệu người; BHYT là 81,69 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,2% dân số. Trong tháng toàn ngành thu 26.703 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 7/2018 toàn ngành thu 178/823 tỷ đồng, đạt 54.2% kế hoạch cả năm, trong đó thu BHXH là 121.763 tỷ đồng, thu BH thất nghiệp là 8.579 tỷ đồng, thu BHYT là 48.480 tỷ đồng
Trong tháng, toàn ngành đã giải quyết 9.351 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 80.469 người hưởng trợ cấp 1 lần; 903.258 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Lũy kế 7 tháng đầu năm đã giải quyết 69.206 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 456.898 người hưởng trợ cấp 1 lần; 5.753.418 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe…
Trong tháng 7, cả nước có khoảng 15,27 triệu lượt người KCB BHYT; lũy kế 7 tháng đầu năm có 100.16 triệu lượt người KCB BHYT. BHXH Việt Nam đã phối hợp với ngành lao động – thương binh và xã hội giải quyết cho 83.995 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 18.986 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.
Trong tháng, BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trong đó có một số văn bản quan trọng như: Quyết định ban hành Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống BHXH Việt Nam; Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT; công văn về việc tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH; công văn hướng dẫn một số nhiệm vụ của đại lý thu BHXH, BHYT; công văn về chỉ số giá nhóm thuốc, dịch vụ y tế và trần đa tuyến đến năm 2018… BHXH Việt Nam cũng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trên cơ sở kết quả hội nghị, hai bên đã phối hợp hoàn thiện Báo cáo chi tiết kết quả 05 năm (2012 – 2017) triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ-TW gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam làm việc với Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ về tình hình, kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 tại BHXH Việt Nam.
Tại Hội nghị, ông Đàm Hiếu Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, BHXH Việt Nam cho biết, tính đến 30/06/2018, theo số liệu trên Hệ thống thông tin giám định BHYT, đã tiếp nhận 83,82 triệu lượt khám chữa bệnh, chi phí đề nghị thanh toán: 46.922 tỷ đồng, tỉ lệ sử dụng so với dự toán cả năm: 51,97%. Một số tỉnh tỉ lệ sử dụng so với dự toán cả năm cao như: Quảng Ninh 57,63%; Khánh Hòa: 56,86%; Tiền Giang: 56,65%; Đồng Tháp 56,39% và Bạc Liêu: 56,36%.
Về tình hình liên thông dữ liệu: Trong tháng 7 năm 2018, tỷ lệ gửi hồ sơ đúng ngày của toàn quốc là: 74.54 %, trong đó 5 tỉnh có tỉ lệ thấp nhất là: TP Hà Nội (35.49 %); Quảng Nam (46.72 %); Thái Nguyên (47.49 %); TP Hồ Chí Minh (52.81%); Nam Định (53.37 %). Ông Đàm Hiếu Trung cho biết, việc các cơ sở y tế chậm chuyển dữ liệu KCB BHYT sẽ ảnh hưởng đến đánh giá dự toán, phân tích dữ liệu và không đúng theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 48.
Những tháng đầu năm 2018, quỹ BHYT đã có 3.398 bệnh nhân được chi trả từ 200 – 300 triệu đồng, 1.301 bệnh nhân được chi trả trên 300 triệu đồng. Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân mắc bệnh về máu điều trị tại Viện Huyết học Trung ương, Viện Nhi Trung ương, qua 8 đợt điều trị đã được quỹ BHYT đã chi trả 2,8 tỷ đồng, trong đó, chi phí cho thuốc đặc trị là 2,7 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề quỹ BHYT có thanh toán cho bệnh nhân viêm gan C không, ông Đàm Hiếu Trung khẳng định: Quỹ BHYT vẫn chi trả cho những người bị viêm gan C. Ông Trung dẫn chứng trường hợp một bệnh nhân bị xơ gan trên nền viêm gan C được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh được quỹ BHYT chi trả lên tới gần 1 tỷ đồng.
“Người bệnh được hưởng theo bệnh tật. Điều này khẳng định, quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo và tính cộng đồng, nhân văn, chia sẻ trong chính sách BHYT” – ông Đàm Hiếu Trung nhấn mạnh.
Thông tin về một số vấn đề bất thường trong thanh toán KCB BHYT, ông Đàm Hiếu Trung cho biết, qua thống kê có tình trạng đề nghị thanh toán dịch vụ kỹ thuật (DVKT) phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa cao bất thường tại một số cơ sở khám chữa bệnh. Cụ thể, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc có 371/375 trường hợp phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa (chiếm tỉ lệ: 98,93%) trên tổng số các trường hợp viêm ruột thừa; Bệnh viện đa khoa huyện Krông Pắc – Đắk Lắk có 86/86 trường hợp (chiếm tỉ lệ: 100%); Trung tâm y tế thị xã Thuận An – Bình Dương có 62/62 trường hợp (chiếm tỉ lệ: 100 %); Bệnh viện đa khoa khu vực Lục Ngạn – Bắc Giang có 147/147 trường hợp (chiếm tỉ lệ: 100%). Trong khi đó, kết quả kiểm tra hồ sơ bệnh án tại các CSKCB cho thấy: Tại Bệnh viện đa khoa huyện Krông Pắc, Đắk Lắk cả 86/86 trường hợp (chiếm tỉ lệ 100%) số bệnh án được kiểm tra không phải là viêm phúc mạc ruột thừa; tại Trung tâm y tế Thuận An Bình Dương có 60/62 trường hợp không phải viêm phúc mạc ruột thừa (chiếm tỉ lệ: 96,77%); tại Bệnh viện đa khoa khu vực Lục Ngạn, Bắc Giang có 18/75 trường hợp không phải viêm phúc mạc ruột thừa (chiếm tỉ lệ: 24%); tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc có 18/383 trường hợp không phải viêm phúc mạc ruột thừa (chiếm tỉ lệ: 4,69%). “Chi phí cho một ca viêm phúc mạc ruột thừa là 2,8 triệu đồng, trong khi chi phí một ca viêm ruột thừa là 1,4 triệu đồng. Toàn bộ chi phí sai sót, cơ quan BHXH các tỉnh chưa thanh toán” – ông Đàm Hiếu Trung nói.
Bên cạnh đó, ông Đàm Hiếu Trung còn thông tin về bất thường trong chi phí tiền giường bệnh nội trú 6 tháng đầu năm 2018. Tỉ lệ tiền giường bệnh nội trú một số tỉnh, thành phố cao so với tỉ lệ chung toàn quốc. Đơn cử một số tỉnh như: Hậu Giang có tỉ lệ tiền giường nội trú/tổng chi nội trú là 55.24/117.64 tỷ đồng chiếm 46.96%, Đồng Tháp là 123.50/293.57 chiếm 42.07%, Đắk Nông là 21.08/50.78 chiếm 41.51%, Cao Bằng là 42.98/104.38 chiếm 41.18%. Trong khi đó, tỷ lệ toàn quốc là 8.739/33.159 chiếm 26,36%.
Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của BHXH Việt Nam đã trả lời các câu hỏi do phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí đưa ra xoay quanh các nội dung: Trả sổ BHXH cho người lao động, thực hiện Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB BHYT trong một số trường hợp cụ thể; vấn đề nợ BHXH; tình hình thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 6, 7;…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện 02 chính sách an sinh xã hội quan trọng của đất nước, BHXH Việt Nam luôn thực hiện đồng bộ mọi giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người lao động, doanh nghiệp và nhân dân. Trong đó, các giải pháp xử lý nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được BHXH Việt Nam triển khai tích cực và hiệu quả như đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành, phối hợp thanh tra liên ngành; tiến hành kiểm tra tại các doanh nghiệp đang nợ đọng; công khai danh sách các DN đang nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng… Kết quả cho thấy, cuối năm 2017 lần đầu tiên số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp toàn Ngành giảm còn 2,9% so với số phải thu. Đến nay, số nợ toàn Ngành là khoảng 7.200 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ 3,6% số phải thu.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, BHXH Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện một số công việc trọng tâm như: Triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII liên quan đến công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát chi phí KCB BHYT; tăng cường thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho người tham gia BHYT; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, đặc biệt là tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp…./.
Theo baohiemxahoi.gov.vn