Nhằm tạo động lực cho thị trường bảo hiểm tăng trưởng trong bối cảnh mới, tới đây, các cơ quan liên quan cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện luật này.
Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ được đưa ra trình Quốc hội thông qua vào năm 2021.
Luật sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển các sản phẩm, kênh phân phối mới, tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức cung cấp dịch vụ bổ trợ cho lĩnh vực bảo hiểm.
Thứ hai, hoàn thiện một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và hệ thống pháp luật có liên quan (Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự…);
Thứ ba, thay đổi phương thức quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý, giám sát nhằm tăng tính chủ động cho doanh nghiệp trong quản trị tài chính, quản trị rủi ro;
Thứ tư, bổ sung một số quy định nhằm tăng cường vai trò quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu của thị trường và thực tiễn hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm và an toàn tài chính trong lĩnh vực bảo hiểm…
Được biết, trước đó, liên quan đến vấn đề mở rộng danh mục đầu tư để các doanh nghiệp bảo hiểm có thể tái đầu tư vào nền kinh tế, cũng như thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thị trường bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ linh hoạt hơn trong hoạt động đầu tư, mở rộng danh mục… và có nhiều chính sách thuế khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện nhằm giảm nhẹ gánh nặng của Quỹ Bảo hiểm xã hội.
“Việc các cơ quan chức năng đã sửa đổi quy định hạn chế bán bảo hiểm liên kết chung cho đại lý dưới 6 tháng tuổi nghề thành 3 tháng và tiến tới sẽ bỏ luôn quy định này cũng là một bước tiến nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngành bảo hiểm Việt Nam nắm bắt các cơ hội phát triển”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.
Bảo hiểm nhân thọ là lĩnh vực hoạt động liên quan đến rủi ro tương lai, vì vậy, tiền phí bảo hiểm thu được phải được đầu tư rất thận trọng.
Trong danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, trái phiếu chính phủ là lựa chọn đầu tiên và theo đó, lợi suất của trái phiếu chính phủ được sử dụng là cơ sở để xác định lãi suất chiết khấu khi tính dự phòng kỹ thuật (dự phòng chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng trong tương lai) theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2017, lợi suất của trái phiếu chính phủ giảm sâu kéo theo sự sụt giảm mạnh của lãi suất chiết khấu áp dụng để tính dự phòng kỹ thuật và do đó làm tăng đáng kể khoản trích lập dự phòng kỹ thuật của các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.
Trong khi đó, do quy định trích lập dự phòng rất thận trọng và nghiêm ngặt theo Luật Kinh doanh bảo hiểm Việt Nam, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đã phải trích lập thêm dự phòng rất lớn trong năm 2017.
Do đó, báo cáo hoạt động năm 2017 của nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đó đều có chi phí tăng đột biến so với năm trước do phải trích lập thêm dự phòng. Một số công ty có lãi năm trước nhưng trở thành lỗ năm nay…
Đứng trước những áp lực về biến động lãi suất các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang có kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại các quy định trích lập dự phòng rủi ro nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong bối cảnh lãi suất còn nhiều biến động.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn