Báo cáo tài chính hợp nhất đến ngày 31/12/2017 của Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA cho biết, Công ty đã được Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch phát hành cổ phiểu ưu đãi cổ tức.
Sau đó, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào cuối tháng 3/2018, các cổ đông đã thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu với tổng giá trị là 310 tỷ đồng, dưới hình thức cổ phiếu ưu đãi cổ tức hoặc cổ phiếu phổ thông với giá phát hành bằng mệnh giá. Ban giám đốc Bảo hiểm AAA kỳ vọng, việc tăng thêm vốn cổ phần này sẽ được thực hiện trong năm 2018.
Trong khi đó, Đại hội đồng cổ đông năm 2018 của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) mới đây cũng thông qua tờ trình thực hiện chiến lược M&A. Hãng bảo hiểm này nhận định, M&A tìm kiếm đối tác chiến lược là xu thế phát triển tất yếu trong nền kinh tế mở với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Thông qua M&A, MIC được hưởng lợi các giá trị cộng hưởng, cải thiện hiệu quả, quy mô hoạt động, thu hút vốn, nâng cao năng lực tài chính, gia tăng hoạt động đầu tư, mở rộng mạng lưới và danh tiếng trong ngành, đầu tư nâng cấp công nghệ thông tin, gia tăng cơ hội đấu thầu tham gia các dự án, đồng thời tăng tỷ lệ giữ lại ở các nghiệp vụ có hiệu quả.
Tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của MIC là có kinh nghiệm phát triển bán lẻ qua các kênh bán trực tiếp, online, đại lý, phân phối, hợp tác…; có năng lực xây dựng và triển khai sản phẩm đa dạng, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng sự phát triển của Công ty với mục tiêu Top 3 thị trường. Đồng hành cùng MIC tối thiểu 5 năm đến 10 năm và duy trì tỷ lệ vốn góp 15% vốn điều lệ Công ty tại mọi thời điểm…
Không nằm trong kế hoạch tăng vốn ngay trong năm 2018, nhưng Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng đã đề sẵn lộ trình tăng vốn cho nhu cầu mở rộng của mình. Theo đó, hãng bảo hiểm này sẽ tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng trong thời gian tới để đầu tư phát triển thị phần. Tính đến cuối năm 2017, thị phần của PTI đang nắm giữ là 8,5%, đứng thứ tư thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Bên cạnh đó, một trong những hãng bảo hiểm tại thị trường Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm là Bảo Minh. Bởi các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi cơ hội mua thêm cổ phần của hãng bảo hiểm này khi sắp tới, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn.
Tuy nhiên, chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018 về các vấn đề mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, kế hoạch thoái vốn của SCIC và việc AXA mua thêm cổ phiếu của Bảo Minh, đại diện hãng bảo hiểm này cho biết, đối với việc thoái vốn, SCIC sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện, nhưng trong kế hoạch kinh doanh năm 2018 không có nội dung này. Chính vì vậy, dù cơ hội vẫn còn nhưng nhà đầu tư cần phải tiếp tục chờ đợi.
Trong khi đó, theo đại diện cổ đông AXA, hãng bảo hiểm này vẫn đang chờ đợi có những thay đổi trong quy định pháp luật về tỷ lệ sở hữu tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Bảo Minh. Chủ trương của AXA là linh hoạt và cởi mở đối với mọi cơ hội đầu tư mua bán cổ phần của Bảo Minh.
Hiện tại, theo quy định đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ như Bảo Minh và doanh nghiệp tái bảo hiểm như VNR, tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 49%. Bảo Minh đang có các cổ đông là SCIC, AXA-SA (Pháp)…
Trong đó, SCIC là cổ đông chiếm tỷ lệ cổ phần lớn nhất với 50,7%, AXA-SA 13,8%; các cổ đông có tỷ lệ cổ phần chiếm gần 5% là Công ty trách nhiệm hữu hạn Firstland và Halley Sicav – Halley Asian Prosperity.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn