Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh (KCB) ở tuyến y tế cơ sở mà nhất là trạm y tế tuyến xã, phường, thị trấn nói chung, chất lượng KCB BHYT nói riêng rất cần được quan tâm, bởi điều này không chỉ kịp thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân, mà còn góp phần giúp người tham gia BHYT được tiếp cận dịch vụ tại tuyến y tế cơ sở.
Trong những năm gần đây, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, theo đó chất lượng phục vụ KCB cho nhân dân ngày càng được cải thiện. Cùng với đó, việc mở rộng hoạt động KCB BHYT ban đầu đến các trạm y tế tuyến xã, phường, thị trấn cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, góp phần tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí đi lại cho người bệnh.
BHXH tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Sở Y tế triển khai việc KCB BHYT cho những người đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó, đội ngũ cán bộ giám định viên BHYT kịp thời phối hợp với cán bộ y tế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho bệnh nhân có thẻ BHYT trong việc khám, điều trị bệnh và thanh toán chi phí theo quy định, từng bước giảm phiền hà cho người dân khi tham gia và hưởng các chế độ BHYT. Cùng với sự gia tăng các đối tượng tham gia và nhu cầu KCB BHYT trên địa bàn, ngành Y tế và BHXH đã có nhiều cố gắng để nâng cao chất lượng KCB BHYT bằng cách cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà trong đón tiếp, KCB và thanh toán viện phí với người bệnh có thẻ BHYT; nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế; đầu tư nhân lực và các trang thiết bị.
Hiện nay, Bình Thuận có hơn 79,42% dân số có thẻ BHYT (trong đó, có khoảng 4,6% dân số đi lao động, học tập tham gia BHYT ở ngoài tỉnh), trong đó có hơn 45% đăng ký KCB ban đầu tại các trạm y tế xã, phường và các phòng khám đa khoa khu vực. Các đối tượng thuộc hộ nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; người thuộc hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo được ngân sách Trung ương hỗ trợ 70% và ngân sách tỉnh hỗ trợ 20% mức đóng BHYT; học sinh, sinh viên không thuộc diện trên được hỗ trợ 33% mức đóng BHYT. Tính đến thời điểm cuối năm 2017, toàn tỉnh đã có trên 2,3 triệu lượt người được KCB BHYT, với chi phí hơn 876 tỷ đồng, trong đó hơn 425.821 lượt người được KCB BHYT ở tuyến xã, phường, thị trấn với chi phí hơn 33 tỷ đồng, từ đó góp phần bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT .
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KCB BHYT tại các trạm y tế tuyến xã, phường trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Trong khi nhu cầu KCB của nhân dân ngày càng tăng nhưng một bộ phận đối tượng tham gia BHYT chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm; số lượng người tham gia BHYT hộ gia đình còn hạn chế. Mặt khác, ở tuyến xã, phường đội ngũ cán bộ y tế có trình độ đại học còn thiếu; điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều trạm y tế tuy có được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu KCB BHYT của các đối tượng tham gia, nguồn nhân lực và trang thiết bị còn thiếu nên việc cung cấp các dịch vụ y tế còn hạn chế, chưa thu hút được các đối tượng tham gia BHYT và đến KCB. Để đáp ứng được nhu cầu KCB cho nhân dân, thu hút nhân dân tham gia BHYT, hoàn thành lộ trình BHYT toàn dân, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng KCB BHYT ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Để các trạm y tế xã, phường, thị trấn phát huy tốt vai trò chăm sóc sức khỏe nhân dân và là nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu, tạo lòng tin đối với nhân dân thì ngoài việc nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của ngành Bảo hiểm xã hội và Y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội đang đẩy mạnh việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHYT. Trước mắt tập trung đẩy mạnh tối đa tỷ lệ đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT. Đồng thời, Bệnh viện và Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố cần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý công tác KCB BHYT tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng công tác KCB BHYT của các trạm y tế, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhất là cung ứng đủ thuốc, đủ chủng loại cho bệnh nhân BHYT.
Theo baohiemxahoi.gov.vn