Chiều 15/6, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp với Công ty Dược phẩm Servier (Pháp) tổ chức Hội thảo “Tối ưu hóa trị liệu nội khoa và tim mạch can thiệp – giải pháp hữu hiệu tiết kiệm hiệu quả quỹ BHYT”.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác y khoa Pháp- Việt thường niên giữa ĐSQ Pháp và BHXH Việt Nam. Đồng thời, cũng là sự kiện tiếp nối chuỗi hoạt động hợp tác giữa BHXH Việt Nam và các đối tác Pháp trong lĩnh vực y tế và quản lý thuốc.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Khang, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, BHXH Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các bộ., ban, ngành, các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT tại Việt Nam. Trong đó, có chính sách về thuốc nhằm tăng cường tiếp cận thuốc mới, phát triển ngành công nghiệp dược trong nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu điều trị, đảm bảo quyền lợi người bệnh với chi phí phù hợp với khả năng chi trả của người dân và nguồn quỹ BHYT.
Tỷ lệ chi thuốc trên tổng chi KCB nói chung và KCB BHYT đều cao hơn so với các nước khác. Đặc biệt, các bệnh lý về tim mạch hiện đang là nhóm bệnh có chi phí cao trong mô hình bệnh tật tại Việt Nam. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, chi phí nhóm thuốc tim mạch đang đứng trong tốp 10 chi phí sử dụng thuốc cao nhất. Năm 2017, chi phí của nhóm thuốc này được chi trả từ quỹ BHYT khoảng 4.000 tỉ đồng (chiếm 11% chi phí thuốc), chi VTYT (stent) vào khoảng 1.086 tỉ đồng (tăng 105% so với năm 2015). Những con số này cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch chuyển hóa như tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành rất cao và ngày một gia tăng. Thực tế này cũng đặt ra vấn đề cần quản lý, theo dõi chặt chẽ để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, giảm thiểu các can thiệp tim mạch (đặt stent, nong động mạch vành).
Hội thảo này được xem là hoạt động khởi đầu nhằm tối ưu hóa điều trị nội khoa, sử dụng đúng tim mạch can thiệp, nhằm giảm thiểu chi trả từ BHYT. Các bài trình bày của chuyên gia đã gợi ý một số phương pháp mới để kiểm soát các biến cố tim mạch như: Kiểm soát tích cực các yếu tố nguy cơ và phòng ngừa bệnh (nâng cao nhận thức của người bệnh để chủ động giám sát chặt chẽ tiến triển bệnh, đến gặp bác sĩ kịp thời, bác sĩ cần có chương trình quản lý, kiểm soát các cơn đau thắt ngực của bệnh nhân, những biểu hiện giai đoạn đầu của bệnh thay vì chỉ tập trung “điều trị” hình ảnh như đặt stent cho những đoạn mạch bị hẹp tắc); cân nhắc sử dụng thuốc phát minh mới trong kiểm soát bệnh trước khi cần can thiệp…
Theo các chuyên gia, nếu có một cái nhìn tổng thể về quá trình phát hiện, điều trị bệnh sớm để hạn chế biến chứng và giảm thiểu can thiệp ngoại khoa, sẽ giúp tiết kiệm ngân sách thực sự hữu hiệu, đặc biệt là bệnh mạch vành và suy tim.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn