Sáng 13/6/2018, tại Cần Thơ, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho tiếp cận thuốc kháng HIV và hướng tới mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có đông đảo đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong giai đoạn 2016 – 2018, nguồn thuốc ARV cho các bệnh nhân tham gia điều trị ARV được hỗ trợ chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước bố trí trong Dự án Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Chương trình mục tiêu y tế và dân số; nguồn viện trợ không hoàn lại của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, lao, sốt rét và Chương trình hỗ trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR). Nhưng, sau năm 2018 các nguồn viện trợ trên giảm dần. Do vậy, ngày 31/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1125/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế và dân số, trong đó có Dự án phòng, chống HIV/AIDS với nội dung quy định “Thuốc kháng vi rút HIV từ năm 2019 thanh toán từ quỹ BHYT đối với đối tượng có thẻ BHYT, các đối tượng khác chưa được thanh toán thuốc từ quỹ BHYT do ngân sách Chương trình thanh toán”.
Phát biểu tại Hội nghị, GS. TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, sự ưu việt của việc điều trị cho đối tượng nhiễm HIV cần được nhân rộng và duy trì tại các địa phương trên cả nước. Để công tác này đạt hiệu quả cao cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Việc thanh toán đối với bệnh nhân HIV qua BHYT là bắt buộc được thể chế bằng Luật. Vì vậy, các địa phương triển khai sớm, kiện toàn cơ sở điều trị ARV, khẩn trương ký hợp đồng với cơ quan BHXH.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Long cũng đề nghị, các địa phương xây dựng ngay kế hoạch điều trị bệnh nhân HIV từ các nguồn viện trợ sang điều trị bằng BHYT. Cần thiết phải lập cơ sở dữ liệu Quốc gia về HIV/AIDS. Đối với Ngành Y tế không phát triển thêm các phần mềm quản lý mà nên hỗ trợ BHXH triển khai thực hiện phần mềm. Các tỉnh, thành phố khẩn trương đảm bảo 100% bệnh nhân HIV có thẻ BHYT. Xây dựng kế hoạch có ngân sách đồng chi trả, tham mưu cho UBND trình HĐND tỉnh, thành phố phê duyệt. Theo quyết định của Thủ tướng, đồng chi trả đối với bệnh nhân HIV có thẻ BHYT là không yêu cầu đối tượng này đồng chi trả mà tỉnh, thành phố sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ.
Hiện tại, độ bao phủ BHYT tại nước ta có tăng, nhưng chưa ổn định và bền vững. Cụ thể, năm 2016, mới có gần 50% bệnh nhân HIV có thẻ BHYT. Đến tháng 3-2018, con số này là 83,4%. Một số bệnh nhân HIV không mặn mà với BHYT hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tâm lý lo ngại thông tin cá nhân bị công khai.
Điều trị ARV cho bệnh nhân HIV là liên tục và suốt đời, trong khi chi phí trung bình cho mỗi bệnh nhân có thể gần 20 triệu đồng/năm. Do đó, làm sao để người nhiễm HIV vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia BHYT chính là giải pháp lâu dài, bền vững để giải quyết hiệu quả đại dịch HIV/AIDS.
Để hoàn thành mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tỉnh, thành trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đảm bảo ngân sách hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020. Về thuốc ARV, lộ trình chuyển giao điều trị HIV/AIDS sang nguồn BHYT trong năm 2019 sẽ có 191 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh, thành phố nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT.
Tại hội nghị, các tham luận của đại biểu đã làm rõ, trước đây, thuốc điều trị dành cho các đối tượng HIV chủ yếu có được từ các nguồn viện trợ từ nước ngoài. Tuy nhiên, với sự cắt giảm nguồn viện trợ những năm gần đây buộc Việt Nam phải tìm biện pháp thích ứng và việc áp dụng BHYT cung cấp thuốc điều trị ARV cho các đối tượng nhiễm HIV là việc làm cần thiết và đảm bảo an toàn cho xã hội. Các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý; kiện toàn lại các cơ sở điều trị và cơ sở dữ liệu quản lý bệnh nhân nhiễm HIV; đảm bảo nguồn lực tham gia BHYT cũng như hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV cho người nhiễm HIV; tiếp tục vận động người nhiễm HIV có điều kiện tự nguyện tham gia mua thẻ BHYT – đây được cho là giải pháp bền vững nhất; UBND các địa phương mua thẻ hỗ trợ những người khó khăn hơn; tranh thủ nguồn từ các dự án để mua thẻ BHYT hỗ trợ một số tỉnh khó khăn,…
Đánh giá cao những nỗ lực của phía Việt Nam, bà Stephanie De Goes, Điều phối viên chương trình PEPFAR Việt Nam khẳng định: “Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc chăm lo cho các đối tượng nhiễm HIV, đặc biệt tăng tỷ lệ BHYT cho các đối tượng đặc biệt này. Việt Nam là điểm sáng trên thế giới với việc tăng tỷ lệ đối tượng nhiễm HIV tham gia BHYT trong 2 năm (2016 – 2018) lên gấp đôi. Những kinh nghiệm của Việt Nam sẽ được nhân rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới”.
Theo baoihemxahoi.gov.vn