Phía sau kế hoạch tăng vốn của nhà bảo hiểm phi nhân thọ

 Dù không rầm rộ như các năm trước, song một số doanh nghiệp bảo hiểm trong khối phi nhân thọ đang tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn nhằm mở rộng hệ thống, đón đầu cơ hội kinh doanh.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long hồi giữa tháng 4 đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ với tỷ lệ tối thiểu là 20% bằng hình thức phát hành riêng lẻ, ưu tiên cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện, Bảo Long có vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2017, Bảo Long có hai cổ đông lớn là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (nắm 81,1%) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (nắm 6,51%).

Theo kế hoạch Bảo Long đặt ra, đến năm 2019, vốn điều lệ của Công ty tăng lên mức 1.000 tỷ đồng; số đơn vị thành viên tăng thêm 3 công ty (từ 47 lên thành 50). Theo đó, doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng 18% (đạt 1.280 tỷ đồng), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 5%.

Năm nay, Bảo Long đặt kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm 1.088 tỷ đồng (tăng trưởng 14%). 

Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức vào ngày 15/5 tới, Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) dự kiến trình cổ đông kế hoạch tăng vốn lên 983 tỷ đồng trong quý III năm nay, sau khi hoàn tất tăng vốn lần 1 lên 728 tỷ đồng trong quý I/2018. Cùng với đó, PVI Re sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán.

Một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác cũng cho biết rất muốn tăng vốn điều lệ trong năm 2018 thông qua phát hành cho cổ đông chiến lược. Hiện công ty đang trong quá trình tìm kiếm đối tác và chưa có tín hiệu rõ ràng nên chưa đưa vào nội dung trình đại hội cổ đông năm nay.

Lý do chủ yếu khi tăng vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm, nhằm tăng trưởng doanh số và thị phần.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm Bảo Long cho biết, nguồn vốn huy động mới của đợt tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng trong năm 2017 (vốn điều lệ tăng thêm cho 88 tỷ cổ phiếu phát hành mới và 12 tỷ đồng phát hành từ nguồn lợi nhuận giữ lại chưa phân phối để trả cổ tức cho cổ đông) đã giúp Bảo Long phát triển thêm 5 đơn vị thành viên trong năm qua, mở rộng mạng lưới bán lẻ truyền thống.

Với số vốn như hiện tại, Bảo Long đang đứng thứ 14 trên tổng số 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường. Mạng lưới của Bảo Long gồm 47 công ty thành viên, nằm trong Top 6 công ty có mạng lưới rộng nhất trong khối, giúp Công ty đứng thứ 11 về thị phần.

Không có kế hoạch tăng vốn trong năm nay sau khi vừa hoàn tất đợt tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trong quý III/2017, lãnh đạo Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) cho biết, phần vốn vừa tăng thêm ngoài giúp tăng tiềm lực tài chính thì còn nâng cao năng lực cạnh tranh trong đấu thầu các dự án lớn, bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư, góp phần hỗ trợ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc.

Tương tự Bảo Long, sau tăng vốn, BSH đã lập mới 10 công ty thành viên và trung tâm kinh doanh, nâng tổng số mạng lưới lên 39 công ty thành viên và trung tâm kinh doanh.

Cuối năm 2017, doanh nghiệp hiện đứng đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc là Bảo hiểm Bảo Việt cũng đã tăng vốn điều lệ lên 2.300 tỷ đồng.

Chuyện tăng vốn tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thường gắn liền với mục tiêu lập thêm các công ty thành viên để tăng trưởng thị phần. Nhưng thực tế hoạt động của các công ty thành viên không phải lúc nào cũng theo kỳ vọng của doanh nghiệp bảo hiểm.

Câu chuyện tái cấu trúc hoạt động của các công ty thành viên tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong quá khứ như Bảo Minh, PJICO, Bảo Việt hay MIC, BSH, Bảo hiểm Hàng không… đã cho thấy điều đó.

Đơn vị thành viên thuộc diện tái cơ cấu của các doanh nghiệp trên có hoạt động không hiệu quả, èo uột, không mang lại doanh thu gì nhiều. Lãnh đạo đơn vị thành viên này thiếu năng lực, trách nhiệm đã khiến chi phí bỗng dưng tăng cao, ngoài việc khổ sở trong quản lý, bồi thường. Thậm chí, có lãnh đạo công ty thành viên ở một tỉnh phía Bắc ôm đống tiền phí bảo hiểm rồi bỏ trốn, khiến doanh nghiệp bảo hiểm có trụ sở chính ở Hà Nội không khỏi đau đầu.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.