Sáng 23/4, tại Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đã chủ trì Phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Uỷ ban để nghe báo cáo về tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH; quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2017. Tham dự phiên họp có đại diện Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc phòng; Hội LHPN Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam…
Tại phiên họp, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Uỷ ban) đã nghe Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo về tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH; quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2017. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2016-2018, việc ngân sách Nhà nước chuyển kinh phí vào quỹ BHXH và đề xuất chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021.
Báo cáo về tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH năm 2017 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đây là năm thứ 2 thực hiện Luật BHXH sửa đổi, theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 37 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện chính sách BHXH, bảo đảm đúng tiến độ. Tính đến hết ngày 31/12/2017, cả nước có 13.591.492 người tham gia BHXH bắt buộc (tăng 5,76% so với năm 2016), tương đương diện bao phủ là 25,8% lực lượng lao động, đạt kế hoạch đề ra. Số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng 11,59% so với năm 2016 (đạt 78% kế hoạch). Số người tham gia BH thất nghiệp tăng 6,46% so với năm 2016, thấp hơn tốc độ tăng của năm 2016.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, công tác thu – chi các chế độ BHXH, BH thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật, bảo đảm cân đối quỹ; chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp, tổ chức bộ máy tuân thủ định mức chi tiêu theo quy định của pháp luật; công tác đầu tư quỹ BHXH được vận hành bảo đảm an toàn, đúng pháp luật, bình quân sinh lời 6,9% và được sử dụng đúng mục đích…
Báo cáo của BHXH Việt Nam còn cho thấy, trong năm qua, Ngành BHXH đã thực hiện 1.643 cuộc thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT tại 4.006 đơn vị sử dụng lao động; 4.852 cuộc kiểm tra tại 10.055 đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, đã phát hiện 42.263 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian, với số tiền phải truy đóng là 88,2 tỷ đồng; có 50.734 lao động đóng thiếu mức quy định, với số tiền phải truy đóng 47,3 tỷ đồng; tổng số tiền nợ của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra là hơn 2.776 tỷ đồng, trong và sau thanh tra đã truy đóng được gần 1.464 tỷ đồng.
Báo cáo về chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2016-2018 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, mức chi phí quản lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho BHXH Việt Nam có đủ nguồn lực để chủ động triển khai một số nhiệm vụ mới theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công trong giải quyết chế độ BHXH. Đặc biệt, từ đó, công tác cải cách hành chính trong thực hiện chính sách BHXH của Ngành BHXH đã đạt được nhiều kết quả đột phá. Hiện nay, Ngành BHXH đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. BHXH Việt Nam đã tăng 18 bậc so với năm 2016, vươn lên đứng ở vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng chung của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công, góp phần tăng thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, so với khối lượng lớn những công việc mà Ngành BHXH phải đảm đương cũng như với những kết quả mà Ngành BHXH đã làm được, thì mức kinh phí quản lý được giao giai đoạn 2016-2018 vẫn còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ mới phát sinh như bàn giao sổ BHXH cho NLĐ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, cấp mã số định danh cho người tham gia… chưa được kết cấu trong tỷ lệ chi phí quản lý. Do đó, BHXH Việt Nam đã phải tiết kiệm chi tiêu, sắp xếp kinh phí trong phạm vi dự toán giao để hoàn thành nhiệm vụ.
Tại phiên họp, đa số các ý kiến tham gia của các thành viên Ủy ban nhận định, việc thúc đẩy mở rộng diện bao phủ BHXH, BH thất nghiệp còn chậm và chưa có giải pháp đột phá để thu hút các đối tượng tham gia, góp phần mở rộng nhanh diện bao phủ như mục tiêu; tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương, đặc biệt trong đó, việc xử lý tiền nợ BHXH, BHYT tồn đọng kéo dài khi nhiều DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc có chủ sử dụng lao động bỏ trốn vẫn là vấn đề nổi cộm.Tuy vấn đề này đã được Luật BHXH sửa đổi quy định, song đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Làm rõ thêm về vấn đề nêu trên, trong đó thông tin cụ thể về chức năng cung cấp thông tin đóng BHXH của NLĐ, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, ngay sau khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, BHXH Việt Nam đã ban hành văn bản quy định trách nhiệm của từng cấp trong việc cung cấp thông tin đóng BHXH của NLĐ và thông tin được niêm yết công khai. Về công tác trả sổ BHXH cho NLĐ quản lý theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, hiện, toàn Ngành đã trả được 80% sổ BHXH cho NLĐ, dự kiến, đến hết năm 2018 sẽ hoàn thành100%tiến độ trả sổ.
“Ngoài phối hợp thanh tra, kiểm tra, năm 2017, Ngành BHXH đã thực hiện hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Qua đó, thu hồi về quỹ BHXH hàng trăm tỷ đồng, và lần đầu tiên, sau nhiều năm có tỷ lệ nợ đọng cao, trong năm qua, toàn Ngành BHXH đã giảm nợ đọng BHXH từ 4,88% xuống còn 2,9%”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh chia sẻ.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng cho biết, trong giai đoạn 2018-2021, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào các mảng hoạt động nghiệp vụ, nhằm hoàn thiện hệ thống CNTT của Ngành; và những năm tiếp theo chỉ thực hiện thay thế, duy tu bảo dưỡng – khi đó chi phí quản lý sẽ được phân bổ thấp hơn.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện Luật BHXH, đặc biệt là công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các quy định pháp luật về: Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động; đặc biệt tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện tốt các mục tiêu mà Quốc hội đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị Chính phủ đảm bảo thực hiện đúng phương án đã cam kết về lộ trình chuyển kinh phí từ ngân sách Nhà nước hàng năm vào quỹ BHXH để đóng BHXH cho NLĐ có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 01/01/1995 theo đúng quy định của Luật BHXH và hoàn thành vào năm 2020 theo Nghị quyết số 1083 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiêm túc thực hiện việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH; khẩn trương ban hành Nghị định hướng dẫn việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; sớm ban hành quy định về xử lý tiền nợ BHXH, BHYT tồn đọng kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc có chủ bỏ trốn để kịp thời giải quyết chế độ cho NLĐ; nghiên cứu phương án xử lý, điều chỉnh mức tiền lương hưu cho nhóm lao động nữ chịu tác động giảm tỷ lệ hưởng lương hưu do thay đổi công thức tính lương hưu từ ngày 01/01/2018…
Theo baohiemxahoi.gov.vn