Là chủ đề Hội nghị đối thoại với nông dân vào sáng 9/4 tại Tp. Hải Dương có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và khoảng 600 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương, các cơ quan ban, ngành tỉnh Hải Dương; lãnh đạo 63 hội nông dân các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các doanh nghiệp…
Tại buổi đối thoại này, nông dân trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn, quan trọng trong đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn như đầu ra cho nông sản, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng vật tư nông nghiệp, vấn đề nguồn vốn, đất nông nghiệp…
Những năm gần đây, nông nghiệp liên tục phát triển ổn định, thể hiện rõ nét ở con số ấn tượng. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt kỷ lục, hơn 36 tỷ USD; xuất siêu trên 8,5 tỷ USD và năm 2018 đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD.
Làm nên kỳ tích Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu về nông sản là công sức của 11 triệu hộ nông dân với 24 triệu lao động trực tiếp trong cả nước, bằng tinh thần vượt khó, sự sáng tạo, lao động miệt mài “một nắng hai sương”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, nông nghiệp Việt Nam còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn phổ biến. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Tình trạng bị động trong sản xuất, thiếu gắn kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, dẫn đến tình trạng “được mùa, rớt giá”, dư thừa sản phẩm, tiêu thụ khó khăn.
Cuộc đối thoại này có ý nghĩa rất quan trọng, hữu ích để Chính phủ trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, từ đó, có các giải pháp tháo gỡ để khơi dòng động lực, phát huy sự sáng tạo của nông dân trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới.
PV (Theo VGP)