Ngày 15/9, Thông tư số 101/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm có hiệu lực. Các DN bảo hiểm thuộc top đầu sẽ có “chân” trong bộ máy quản lý Quỹ.
Ghi nhận từ Bộ Tài chính, mọi việc liên quan đến cơ cấu tổ chức Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm sẽ được thực hiện sau ngày 30/4/2014, nghĩa là sau thời điểm Bộ công bố mức trích nộp cụ thể vào Quỹ, chứ không phải ngay sau ngày có hiệu lực của Thông tư 101 (Thông tư 101 quy định, mức trích nộp Quỹ cụ thể do Bộ Tài chính công bố bằng văn bản trước ngày 30/4 hàng năm, tối đa 0,3% tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại thuộc hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính liền kề).
Bộ máy quản lý, điều hành của Quỹ bao gồm: Hội đồng quản lý quỹ (HĐQLQ), Ban điều hành quỹ (BĐHQ) và Ban kiểm soát quỹ (BKSQ).
HĐQLQ sẽ do Bộ Tài chính quyết định thành lập, sau đó HĐQLQ ra quyết định thành lập BĐHQ, BKSQ và bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên, sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận.
Theo quy định tại Thông tư 101, Chủ tịch HĐQLQ là Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI); các thành viên gồm lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, lãnh đạo của 3 DN bảo hiểm nhân thọ và 3 DN bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài có thị phần thuộc Top 3 thị trường bảo hiểm Việt Nam tại thời điểm có quyết định thành lập HĐQLQ.
Như vậy, nếu tại thời điểm thành lập HĐQLQ, Top 3 thị trường vẫn như hiện nay thì Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI và Bảo Minh (Top 3 phi nhân thọ) và Prudential Việt Nam, Bảo Việt nhân thọ và Manulife (Top 3 nhân thọ) sẽ “chắc chân” trong HĐQLQ. Nhiệm kỳ của thành viên HĐQLQ là 3 năm và có thể được bổ nhiệm lại, với nhiệm vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc quản lý, điều hành và sử dụng Quỹ.
Còn BĐHQ sẽ bao gồm: Trưởng BĐHQ là Phó chủ tịch AVI; Phó BĐHQ là Tổng thư ký AVI; thành viên BĐHQ là đại diện của 3 DN bảo hiểm nhân thọ và 3 DN bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài có thị phần đứng thứ 4 đến thứ 6 trên thị trường bảo hiểm Việt Nam vào thời điểm thành lập BĐHQ. Như vậy, nếu tại thời điểm thành lập BĐHQ, thứ hạng thị phần (từ vị trí thứ 4 đến thứ 6) của các DN vẫn như hiện nay thì PJICO, PTI, Samsung Vina (thuộc Top 6 phi nhân thọ) và Dai-ichi, AIA, ACE Life (thuộc Top 6 nhân thọ) sẽ có “chân” trong BĐHQ.
Đối với BKSQ, Trưởng BKSQ sẽ là đại diện của 1 DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài do các DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài bầu và được HĐQLQ bổ nhiệm; các thành viên bao gồm đại diện của 3 DN bảo hiểm nhân thọ, 3 DN bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài có thị phần đứng thứ 7 đến thứ 9 trên thị trường bảo hiểm Việt Nam vào thời điểm thành lập BKSQ. Như vậy, nếu tại thời điểm lập BKSQ, các DN đứng vị trí thứ 7 đến thứ 9 về thị phần vẫn như hiện nay thì BKSQ sẽ bao gồm đại diện các DN: BIC, MIC, GIC (thuộc Top 9 phi nhân thọ) và Hanwha Life, Cathay Life, Great Eastern Life (thuộc Top 9 nhân thọ).
Có ý kiến lo ngại, với cơ cấu tổ chức của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm chủ yếu gồm đại diện các DN bảo hiểm có thị phần lớn thì liệu có đảm bảo tính khách quan trong quyết định sử dụng Quỹ, nhất là thu chi quản lý quỹ?
Mặc dù vậy, không ít ý kiến cho rằng, việc để các DN lớn tham gia sâu và “có chân” tại các vị trí quan trọng trong Quỹ là hợp lý và theo thông lệ quốc tế.
“Giống như một pháp nhân, một DN độc lập, người nào sở hữu vốn nhiều hơn thì có tiếng nói lớn hơn. Ở đây cũng vậy, các DN có thị phần lớn thường có tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm giữ lại lớn tương ứng, nên cũng đồng nghĩa với tỷ lệ trích nộp cao”, đại diện một DN bảo hiểm nói.
Nguyên tắc quản lý Quỹ: 1. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được quản lý tập trung tại AVI và được hạch toán, quản lý, theo dõi riêng đối với loại hình bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ; 2. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm có tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại và được sử dụng con dấu của AVI; 3. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, các văn bản pháp luật có liên quan và quy định tại Thông tư này. (Điều 3 Thông tư số 101/2013/TT-BTC) |