Sau 10 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam với mô hình khá cổ điển theo đúng mô hình của công ty mẹ, hãng bảo hiểm đến từ một nước châu Âu đã có những thay đổi mạnh mẽ từ tiếp nhận dòng vốn đầu tư mới và thay đổi mô hình bán hàng.
Sau khi thay đổi mô hình bán hàng truyền thống, hãng bảo hiểm này chọn cách phát triển bằng bancassurance, tuy nhiên, khi “làn sóng” ký kết bancassurance độc quyền dài hạn lan ra toàn thị trường với tốc độ mạnh, thì mô hình bán hàng này khó có thể đem lại lợi thế lâu dài.
Phát triển đội ngũ đại lý là cách truyền thống nhất, nhưng không phải công ty bảo hiểm nhân thọ nào cũng thành công, nhất là khi mô hình này không phải là lựa chọn hàng đầu khi họ mới bước chân vào thị trường.
Hợp tác với các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý tài chính hay các đại lý bảo hiểm độc lập sẽ là những lựa chọn mới của các hãng bảo hiểm này. Ngoài ra, một số mối quan hệ hợp tác khác rất mới mẻ với thị trường bảo hiểm nhân thọ như hợp tác với các công ty bất động sản để tận dụng đội ngũ sale bán chéo sản phẩm, hay bán bảo hiểm trực tuyến thông qua kênh truyền hình và mới đây nhất là trang thương mại điện tử Tiki.vn bắt đầu bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua mạng…
Vì còn mới mẻ và khá lạ lẫm với khách hàng Việt Nam, nên doanh thu khai thác mới đến từ những kênh này còn khá nhỏ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, những mô hình mới mẻ này sẽ có những thay đổi và ngày càng nhiều thêm. Các công ty bảo hiểm buộc phải tìm kiếm và mở rộng các cách thức bán hàng mới để tìm kiếm doanh thu và san sẻ rủi ro từ những kênh truyền thống.
Ngay cả với mô hình bán bảo hiểm truyền thống là đại lý cũng sẽ có những thay đổi rõ rệt chỉ trong thời gian ngắn nữa, khi dự án kết nối PRUbot của Prudential sẽ tư vấn thông tin sản phẩm, hỗ trợ khách hàng đặt lịch hẹn với các chuyên viên bảo hiểm bất kỳ khi nào họ muốn. Chương trình này đang được hoàn thiện và được triển khai đồng bộ dự kiến trong quý 1/2018.
Quay trở lại với bancassurance, dù đang là mô hình tăng trưởng hấp dẫn trên mức 10% và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2018, nhưng mô hình bancassurance tại Việt Nam được nhìn nhận chỉ đang trong giai đoạn tăng trưởng, chứ chưa thực sự trưởng thành nếu so với một số thị trường khác. Tại Indonesia, bancassurance đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 40%, Philipin là 30%, Thái Lan 43%…
“Trong tương lai, mô hình bancassurance sẽ phát triển ngày càng tốt hơn cùng sự lớn mạnh của các ngân hàng, cũng như xu thế tiêu dùng không dùng tiền mặt. Bancassurance khi phát triển đến một mức độ nhất định như ở một số thị trường khác thì họ có thể cho phép ngân hàng phát triển theo mô hình broker (môi giới bảo hiểm)”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhìn nhận.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ còn có thêm những mô hình bán bảo hiểm nào mới và các mô hình này sẽ phát triển lên một tầm cao mới nào là câu hỏi còn để ngỏ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường và dự đoán mức tăng trưởng vẫn tiếp tục được giữ vững trong các năm tiếp theo sẽ là động lực để các công ty bảo hiểm nhân thọ phát triển và tạo ra những sự hợp tác mới.
“Không có mô hình nào hoàn toàn tối ưu, mô hình nào cũng có ưu và khuyết. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu đang thay đổi nhanh chóng của khách hàng về cả sản phẩm và dịch vụ trong kỷ nguyên kỹ thuật số di động sẽ là người chiến thắng”, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận.
theo tinnhanhchungkhoan.vn