Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã cho biết thông tin trên tại buổi gặp mặt báo chí về công tác điều trị HIV và đấu thầu thuốc tập trung giảm giá thuốc cho bệnh nhân điều trị HIV do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức ngày 21/12, tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, đây là một trong những thành tựu nổi bật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị thuốc kháng virus ARV có thẻ BHYT tăng đột biến từ 50% vào cuối năm 2016 lên 82% vào cuối năm 2017. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng chống HIV tại Việt Nam để thực hiện mục tiêu kết thúc đại dịch này vào năm 2030. “Người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng virus HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ làm giảm tối đa nguy cơ làm lây truyền HIV sang người khác”, TS Nguyễn Hoàng Long nói.
Khẩn trương triển khai BHYT cho người nhiễm HIV
Tính đến tháng 10 năm nay, cả nước có hơn 123.000 bệnh nhân HIV được điều trị bằng thuốc ARV, chiếm gần 60% người nhiễm HIV được phát hiện. Nếu như năm 2005 cả nước mới chỉ có 5.000 bệnh nhân được điều trị ARV thì đến hết 6 tháng đầu năm 2017, đã có hơn 110.000 bệnh nhân được điều trị ARV.
Theo các chuyên gia quốc tế, hiệu quả điều trị bằng thuốc ARV tại Việt Nam trong 10 năm qua đã giúp khoảng 150.000 người nhiễm HIV thoát khỏi tử vong và dự phòng cho 450.000 người không nhiễm HIV.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Việc điều trị bằng thuốc ARV cho người bị HIV có ý nghĩa rất quan trọng. Khi người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang bạn tình HIV âm tính. Trước đây, bệnh nhân mắc HIV được cho là đã phải đối mặt với bản án bán tử hình, thậm chí nhiều người biết có thuốc để kiểm soát bệnh nhưng vẫn không yên tâm uống thuốc. Từ khi thuốc ARV được đưa vào điều trị rộng đã cho thấy những kết quả tốt, có tới 91,5% số người điều trị có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, tức là không có khả năng lây nhiễm sang bạn tình khi quan hệ tình dục không dùng bao cao su hoặc bất cứ biện pháp an toàn nào”.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Long, hiệu quả từ điều trị bằng thuốc ARV đã thấy rõ, tuy nhiên, kể từ năm 2015, nguồn thuốc viện trợ cho Việt Nam đã bị bị cắt giảm dần. Điều này đồng nghĩa với việc hàng nghìn bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ này sẽ không có thuốc điều trị hoặc phải chi ra khoản tiền lớn để mua thuốc. Để đảm bảo được nguồn thuốc ARV tiếp tục cấp cho bệnh nhân HIV/AIDS, hiện nay Chính phủ đã giao Bộ Y tế mua sắm một phần thuốc ARV từ nguồn ngân sách trong nước để bù đắp khoản thuốc bị cắt giảm.
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS thông tin thêm, hiện chi phí thấp nhất cho việc điều trị thuốc của bệnh nhân HIV/AIDS khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người đối với bệnh nhân theo phác đồ 1. Nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, phải điều trị phác đồ 2 chi phí điều trị tăng lên gấp 7-8 lần.
Điều đáng nói, tỷ lệ kháng thuốc đang có xu hướng tăng lên, chiếm khoảng 4,5% bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị. Như vậy, nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để điều trị bằng thuốc ARV.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tại một số tỉnh, thành phố độ bao phủ BHYT cho đối tượng nhiễm HIV còn thấp do tâm lý sợ lộ thông tin của người bị bệnh. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS có tâm lý lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT.
Để khuyến khích người nhiễm HIV tham gia BHYT, ông Hoàng Long cho rằng, trước mắt cần hoàn thiện hệ thống thanh toán BHYT tại các cơ sở điều trị trên cả nước. Các địa phương cần bố trí ngân sách của địa phương để hỗ trợ những người nhiễm HIV điều kiện khó khăn.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã huy động các nguồn viện trợ để hỗ trợ phần nào cho chương trình này. Bên cạnh đó, một số địa phương đã khẩn trương triển khai BHYT cho người nhiễm HIV, do đó tỷ lệ này đã tăng rất nhanh.
Trong Đề án bảo đảm tài chính, hiện chỉ còn 6 tỉnh chưa phê duyệt, còn lại là 57 tỉnh đã được phê duyệt, kinh phí tương đối tốt. Thời gian tới các tỉnh còn lại cần khẩn trương phê duyệt để bảo đảm tài chính trong công tác này.
Hiện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đang rà soát nhu cầu BHYT cho người nhiễm HIV của một số tỉnh khó khăn để dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ trong thời gian đầu mới chuyển đổi nguồn lực. Đây là công tác lâu dài, nên Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang tiếp tục làm việc với các địa phương, đôn đốc thực hiện chỉ tiêu do Chính phủ giao, nhằm đạt được 100% người nhiễm HIV tham gia BHYT.
Mua sắm tập trung giúp giảm giá thuốc
Theo kết quả của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2016, trong lần đầu đấu thầu thuốc ARV tại Cục đã mua 6.410.940 viên thuốc 3 trong 1 (3 loại thuốc trong 1 viên) là Lamivudine, Tenofovir và Efaviren với giá trúng thầu là 7.299đ/viên (đã bao gồm thuế VAT 5%), giá tương đương 0,3095 USD/viên tại thời điểm đó. So sánh giá đấu thầu cùng loại thuốc trên với giá mua tập trung của Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS lao và Sốt rét thì giá thuốc Việt Nam mua rẻ hơn 16,6% (giá của Quỹ Toàn cầu mua là 0,3681 USD/viên thuốc). Nếu so sánh với giá thuốc do PEPFAR mua cấp về thì giá thuốc Việt Nam mua rẻ hơn 17,8% (giá của PEPFAR mua là 0,3728 USD/viên thuốc.
Trong lần mua sắm tập trung thuốc ARV lần đầu tiên, Việt Nam đã được đánh giá cao trong việc chủ động mua sắm được thuốc ARV với giá rẻ hơn giá đấu thầu toàn cầu của các dự án tài trợ.
Trong đợt mua sắm lần thứ hai năm 2017, Việt Nam lại tiếp tục đấu thầu mua sắm 3.079.080 viên thuốc 3 trong 1 là: Lamivudine, Tenofovir và Efaviren với giá trúng thầu là tương đương 0,268 USD/viên tại thời điểm đó. So sánh với giá thuốc cùng loại của PEPFAR thuốc Việt Nam mua rẻ hơn 3,63 % và rẻ hơn thuốc Quỹ Toàn cầu mua 1,33%.Nhờ đó, giá thuốc ARV ngày càng rẻ hơn, năm 2017 giá thuốc tiếp tục hạ hơn 15% so với giá mua năm 2016.
“Việc mua sắm thành công thuốc ARV là một bước tiến quan trọng để chúng ta chủ động cung ứng thuốc ARV thay thế nguồn viện trợ quốc tế, đảm bảo tính bền vững của chương trình phòng, chống HIV/AIDS”, ông Long cho biết.