Áp lực tăng dần cho khối bảo hiểm phi nhân thọ

Dù 6 tháng đầu năm 2017 hầu hết các doanh nghiệp trong khối phi nhân thọ đều cơ bản đạt được những chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra, nhưng nhiệm vụ của những tháng cuối năm vẫn vô cùng áp lực.

Lý do chính được đưa ra là bởi tốc độ tăng trưởng của ngành đang chậm lại, thị trường cần có thêm dịch vụ và sản phẩm để tạo thêm động lực bứt phá.

Trong các nghiệp vụ bảo hiểm đang có doanh thu cao và đóng góp phần lớn vào tổng doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp nói riêng và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nói chung thì bảo hiểm xe cơ giới vẫn tiếp tục đóng góp doanh thu cao nhất với 34%, tiếp đến là bảo hiểm sức khỏe đóng góp 27%, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại đóng góp 14%, bảo hiểm cháy nổ là 9%, còn lại là doanh thu đến từ các nghiệp vụ bảo hiểm khác.

Đây là cơ cấu không thay đổi lớn so với các năm trước. Với cơ cấu này, doanh thu chỉ tăng nhờ khai thác thêm khách hàng mới trong phân khúc cũ, hoặc cạnh tranh lấy thị phần của đối thủ. Miếng bánh chung sẽ khó tăng lớn, nếu không có những sản phẩm tạo nhu cầu dùng mới.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang đi theo “lối mòn” này. Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đang có sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là một vài doanh nghiệp bảo hiểm lớn đang bung toàn bộ cơ chế để chiếm lĩnh thị trường.

Điều đáng nói là giá xe cơ giới trong những tháng cuối năm được dự báo là sẽ giảm nhẹ, khoảng 10%, điều đó có nghĩa là phí bảo hiểm sẽ giảm đi. Trong khi đó, giá sửa chữa tại các gara, đặc biệt là các gara chính hãng, sẽ tăng. Phí giảm và chi phí bồi thường cao sẽ làm giảm lợi nhuận hoặc gây lỗ cho các công ty bảo hiểm. Tỷ lệ bồi thường trung bình của nghiệp vụ này đang ở khoảng gần 50% trong 6 tháng đầu năm 2017.

Bảo hiểm sức khỏe vẫn chưa thay đổi được bức tranh “bán được nhưng lỗ” do tỷ lệ bồi thường vẫn theo xu hướng tăng cao.

Một nghiệp vụ khác cũng là nghiệp vụ quan trọng góp phần lớn vaò tổng doanh thu phí bảo hiểm của khối là bảo hiểm tài sản kỹ thuật thì cũng được nhận định sẽ khó khăn hơn do sự sụt giảm của đầu tư công và rủi ro thiên tai gia tăng.

Ngoài những nghiệp vụ chính mang lại doanh thu lớn thì các nghiệp vụ khác như bảo hiểm bảo lãnh, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh…, chưa mang lại nguồn phí như mong đợi. Doanh thu của các nghiệp vụ này trên tổng doanh thu vẫn chưa đến 1%.

Nghiệp vụ hàng hải được chờ đợi, nhưng qua 6 tháng vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan khi giá trị bảo hiểm của đội tàu Vinalines giảm, mà đội tàu này chiếm đến 40% số tàu của ngành vận tải đường biển. Ngoài ra, một số đội tàu của ngành dầu khí do kinh tế khó khăn nên mua bảo hiểm với giá trị thấp hơn, tàu đóng mới không có, tỷ lệ phí của các doanh nghiệp không tăng lên, nên ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm tàu….

Tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng

Để mở rộng thị trường, hiện một số doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục nỗ lực phát triển những sản phẩm mới và những phân khúc tiềm năng còn bỏ ngỏ.

Chẳng hạn, QBE đang phát triển hiểm trách nhiệm chuyên biệt cho ngành công nghệ thông tin trên cơ sở nhận định “nếu nhận thức của ngành công nghệ thông tin về sản phẫm bảo hiểm tốt hơn, khả năng doanh thu phi bảo hiểm thu được cho ngành bảo hiểm từ 1-2 triệu USD trong vòng 3 năm”. Tất cả mới chỉ là những dự kiến!

Một hãng bảo hiểm khác là AIG vẫn đang trung thành với việc bán buôn cho doanh nghiệp ở phân khúc bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Đây cũng là phân khúc tiềm năng vô cùng lớn, nhưng doanh thu phí hiện tại của thị trường thì còn rất nhỏ.

“Chúng tôi cũng đang tìm kiếm cơ hội triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm bắt cóc và đòi tiền chuộc”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn trên thị trường chia sẻ.

Sản phẩm mới vẫn chỉ là kỳ vọng, còn thị trường đang chứng kiến những đợt khuyến mại rầm rộ, mà tất nhiên, chi phí của các đợt khuyến mại này sẽ được hạch toán giảm trong phần lợi nhuận thu về.

PJICO, PTI, BIC… đều đang rầm rộ triển khai nhiều chương trình khuyến mại, đặc biệt dành cho sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, với mức giảm phí lên đến 20-35% so với kênh truyền thống.

Tăng phí cho các đối tác phân phối cũng là một cách để chiếm thị phần. 

“Tăng trưởng qua kênh ngân hàng của chúng tôi 6 tháng đầu năm 2017 không đáng kể, thậm chí có nguy cơ đi xuống vì có vài ngân hàng không tiếp tục ký với chúng tôi mà lựa chọn đối tác mới”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thừa nhận.

theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.