Cho vay đóng phí bảo hiểm tự động: Hợp lý và công bằng

Mới đây, Báo Đầu tư Chứng khoán đã đăng tải bài viết “Quên đóng phí bảo hiểm, lại một chuyện khiếu nại không đáng có”, phản ánh trường hợp người mua bảo hiểm phản ứng trước khoản phạt do chưa nộp phí năm 2007, sau khi chuẩn bị đến hạn tất toán hợp đồng. 

Tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Thành Đạt, Giám đốc Công ty Luật An Thành Sài Gòn chuyên về tài chính – bảo hiểm – ngân hàng. 

Trong các văn bản pháp luật hiện hành, có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phải nhắc phí cho bên mua bảo hiểm hay không, thưa ông?

Hiện nay, không có quy định pháp luật nào buộc DNBH phải nhắc phí cho bên mua bảo hiểm. Hay nói cách khác, việc DNBH có thực hiện hành vi thông báo nhắc phí hay không thì các hành vi đó đều không ảnh hưởng đến việc bên mua bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí của mình để hợp đồng bảo hiểm được duy trì hiệu lực.

Trong thực tế, các DNBH có thể thực hiện nhắc phí khách hàng, nhưng có khách hàng được nhắc thì đóng phí, có người không đóng. Hay có khách hàng không được nhắc phí vẫn thực hiện tốt việc này. Theo đó, việc đóng phí bảo hiểm để duy trì hiệu lực hợp đồng bảo hiểm phụ thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan của bên mua bảo hiểm.

Vậy DNBH có quyền tự động trích nộp mà không cần thông báo với khách hàng hay không?

Theo Điều 17, Luật Kinh doanh bảo hiểm, DNBH có quyền “Thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thu phí theo 2 phương thức là thu phí trực tiếp (do bên mua bảo hiểm trực tiếp đóng phí theo định kỳ đóng phí (tháng/quý, nửa năm/cả năm) và thu phí tự động”. Thực chất của việc “thu phí tự động” chính là DNBH cho bên mua bảo hiểm tạm ứng để đóng phí.

Việc “thu phí tự động” nhằm giúp khách hàng duy trì hiệu lực hợp đồng bảo hiểm khi vì lý do nào đó mà khách hàng đã không đóng phí. Hoạt động nghiệp vụ này đòi hỏi khách hàng phải trả khoản phí gọi là “khoản giảm thu nhập đầu tư”, tương tự như tiền lãi.Các quy định liên quan đến “thu phí tự động” và “khoản giảm thu nhập đầu tư” thường được thể hiện trong quy tắc – điều khoản của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại hợp đồng bảo hiểm, được phê duyệt bởi Bộ Tài chính (Cục Quản lý giám sát bảo hiểm) và Bộ Công thương. Do đó, DNBH hoàn toàn có quyền thực hiện việc thu phí như vậy.

Trong trường hợp này, bên mua bảo hiểm không thể nói rằng mình “quên” đóng phí vì DNBH không nhắc và vì vậy, khách hàng nên chấp nhận việc DNBH “thu phí tự động” và tính “khoản giảm thu nhập đầu tư”.

Cụ thể, khách hàng được hưởng những quyền lợi gì từ việc thu phí tự động, thưa ông?       

Việc thu phí tự động nhằm giúp khách hàng duy trì hiệu lực hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm vì nguyên nhân chủ quan hay khách quan nào đó mà chưa thể đóng phí bảo hiểm. Đây là một quyền lợi then chốt cho bên mua bảo hiểm, đặc biệt là khi sự kiện bảo hiểm xảy ra khi hợp đồng bảo hiểm đã mất hiệu lực do bên mua bảo hiểm chưa đóng phí.

Ngoài ra, khi hợp đồng phát sinh khoản “thu phí tự động”, bên mua bảo hiểm vẫn nhận được tất cả quyền lợi chia lãi hàng năm (bảo tức các loại) và lãi chia cuối hợp đồng như bình thường. Có nghĩa là bên mua bảo hiểm được tính “khoản giảm thu nhập đầu tư” và được chia thêm quyền lợi tài chính. Chênh lệch giữa hai khoản tiền này làm cho lãi suất thực của việc thu phí tự động trở nên thấp đi.

“Khoản giảm thu nhập đầu tư” không phải là tiền phạt, nhưng do bị giảm số tiền được lĩnh sau khi tất toán so với bảng minh họa ban đầu nên khách hàng ngầm coi đó là khoản phạt. Vậy khoản giảm này có công bằng và hợp lý hay không?

“Khoản giảm thu nhập đầu tư” không phải là tiền “phạt” như bên mua bảo hiểm đã viện dẫn, mà là khoản tiền DNBH thu lại để bù cho khoản thu nhập đầu tư bị mất đi.

Trong thực tế, tất cả tiền phí bảo hiểm mà khách hàng nộp (được gọi là “quỹ chủ hợp đồng”) đều được DNBH đầu tư sinh lợi. Lợi nhuận đầu tư mang về được chia phần lớn cho các bên mua bảo hiểm ở dạng “bảo tức”, hoặc “bảo tức đặc biệt”, hoặc “lãi chia cuối hợp đồng”… (tên gọi có thể khác nhau tùy từng DNBH). Nếu DNBH dùng tiền phí bảo hiểm của một bên mua bảo hiểm để chi tạm ứng phí cho bên mua bảo hiểm khác thì phải tính và thu lại “khoản giảm thu nhập đầu tư” từ bên mua đó. Đây là khoản thu công bằng và hợp lý.

Các quốc gia trên thế giới có áp dụng thu phí tự động kiểu này hay không, thưa ông?

Từ khi ngành bảo hiểm nhân thọ ra đời tại Việt Nam cho đến nay, tất cả các DNBH nhân thọ đều áp dụng hoạt động nghiệp vụ “thu phí tự động” cho những sản phẩm truyền thống có giá trị hoàn lại như là một quyền lợi đương nhiên mà DNBH cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên, một số DNBH coi đây là hành động tùy chọn (option), phụ thuộc vào ý muốn của khách hàng.

Việc áp dụng “đóng phí tự động” được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia trên thế giới, với thuật ngữ là “automatic premium loan” hay viết tắt là “APL”, được hiểu là “cho vay đóng phí tự động”. Trong đó hàm ý rằng, đây là khoản vay thì phải trả lãi. Tại Hoa Kỳ, luật bảo hiểm ở một số bang xem APL trong hợp đồng bảo hiểm là quy định bắt buộc.

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp đưa điều khoản “đóng phí tự động” như là một tùy chọn. Nếu người dân hiểu rõ quyền lợi của mình với cách đóng phí tự động này, thì việc xem đây là điều khoản đương nhiên hay tùy chọn không còn là vấn đề nữa.

theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.