Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả BHYT học sinh, sinh viên

Với mục tiêu tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt tỷ lệ 100%; mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 70% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT, trong đó nhóm HSSV tham gia đạt tỷ lệ trên 95% số HSSV.

Tính đến 30/06/2013 có trên 59,7 triệu người tham gia BHYT, đạt 66,5% dân số, trong đó có trên 10,2 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt 80,4% so với số HSSV. Tỷ lệ tăng số người tham gia BHYT hàng năm khoảng 4,2%, trong đó HSSV khoảng 10%.

 

Đạt được kết quả trên là do có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, của các Bộ ngành, của Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và của ngành Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố trong việc khai thác, phát triển HSSV tham gia BHYT. Cụ thể:

 

–  Hệ thống văn bản được ban hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ theo hướng cải cách thủ tục hành chính, đơn giản, cụ thể về trình tự, thủ tục tham gia, thu, nộp BHYT và từng bước áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý thu, cấp thẻ BHYT do đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV tham gia BHYT.

 

– Sự quan tâm phối hợp của các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực BHYT nói chung, BHYT học sinh, sinh viên nói riêng đã có chuyển biến rõ rệt, có những tỉnh, thành phố quan tâm hỗ trợ thêm 20%, 30%, 50% mức đóng BHYT học sinh, sinh viên. Một số địa phương, UBND tỉnh giao chỉ tiêu, phân công trách nhiệm cho từng ngành chức năng trong tổ chức triển khai thực hiện BHYT học sinh, sinh viên.

 

– BHXH các cấp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành chức năng cùng cấp để thực hiện nhiệm vụ thu BHYT học sinh, sinh viên nhất là việc phối hợp với các ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài chính bàn bạc, thống nhất ban hành văn bản liên ngành để hướng dẫn thực hiện BHYT cho HSSV; đồng thời, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện BHYT học sinh, sinh viên.

 

Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện BHYT học sinh, sinh viên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như sau:

 

Một là, việc quy định đồng nhất mức đóng giữa nông thôn, thành thị, mệnh giá thẻ BHYT tăng so với năm học trước do mức tiền lương cơ sở tăng; thu nhập của dân cư trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, giá cả thị trường tăng cao, cuộc sống của người dân nông thôn còn khó khăn nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; gia đình có nhiều con đi học,… nên việc vận động HSSV tham gia còn gặp nhiều khó khăn.

 

Hai là, sự phối hợp với Ngành Giáo dục và Đào tạo để nắm và báo cáo số lượng HSSV trên địa bàn, nhiều địa phương thực hiện chưa tốt. Việc thống kê, xác định số HSSV diện hộ nghèo, HSSV là con em của gia đình người có công, thân nhân sĩ quan quân đội nhân dân, Công an nhân dân không đầy đủ cũng là những trở ngại trong việc tham mưu, quản lý và tổ chức thực hiện.

 

Ba là, một số địa phương chậm tham mưu văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về công tác BHYT cho HSSV, thậm chí có địa phương đến năm 2013 có văn bản liên ngành hướng dẫn thực hiện BHYT cho HSSV.

 

Bốn là, HSSV là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT nhưng chưa có biện pháp đảm bảo thi hành trong thực tế, chưa gắn trách nhiệm cụ thể cho ngành Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các nhà trường… Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa có văn bản chỉ đạo trong ngành nên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn và nhà trường cũng chưa thực sự tích cực thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên.

 

Năm là, nhận thức của một bộ phận HSSV và phụ huynh học sinh về BHYT còn hạn chế mặc dù được Nhà nước hỗ trợ một phần nhưng cũng chưa tham gia BHYT.

 

Để việc triển khai BHYT học sinh, sinh viên theo quy định của Luật BHYT ngày càng tốt hơn, góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020 và Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012- 2015 và 2020, BHXH các tỉnh, thành phố cần thực hiện đồng bộ một số nội dung chủ yếu sau:

 

Thứ nhất, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch, lộ trình phát triển đối tượng tham gia BHYT; các văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện Luật BHYT nói chung, BHYT học sinh, sinh viên nói riêng trên địa bàn. Đặc biệt, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho HSSV, đồng thời phân công rõ trách nhiệm cho từng ngành chức năng trong việc tổ chức triển khai thực hiện BHYT học sinh, sinh viên trên địa bàn.

 

Thứ hai, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo thống kê tổng số HSSV trên địa bàn tỉnh, huyện ngay từ đầu năm học hoặc khoá học (đối với giáo dục chuyên nghiệp) để đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp. Trong đó, phân loại học sinh đã tự mua BHYT, học sinh đã được cấp thẻ BHYT theo diện chính sách, học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT để có cơ sở xác định số học sinh, sinh viên còn lại chưa có thẻ BHYT cần vận động tham gia. Trên cơ sở đó ký Kế hoạch phối hợp thực hiện vận động HSSV tham gia BHYT đến tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh;

 

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác, để nhà trường và các bậc phụ huynh thấy được quyền, trách nhiệm tham gia BHYT cho con em mình. Công tác tuyên truyền BHYT học sinh, sinh viên phải đi vào chiều sâu, nâng cao nhận thức toàn xã hội về bản chất ưu việt, giá trị nhân văn, lợi ích thiết thực đối với mọi nhà và toàn xã hội; thường xuyên phổ biến các mô hình, gương điển hình để nhân rộng; Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm tuyên truyền trực tiếp cho phụ huynh, học sinh của lớp trong các buổi họp phụ huynh và trong sinh hoạt chủ nhiệm để phụ huynh, học sinh thấy được quyền lợi từ chính sách BHYT.

 

Thứ tư, phối hợp với Ngành Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu cụ thể cho từng trường, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, gắn kết quả tham gia BHYT làm chỉ tiêu thi đua cuối năm của nhà trương. Thực tế cho thấy nơi nào, địa phương nào cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm nhà trường quyết tâm thực hiện thì nơi đó tỷ lệ tham gia BHYT cao và ngược lại.

 

Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện BHYT học sinh tại các trường, qua đó nhân rộng cách làm hiệu quả, đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập.  Hàng năm tổ chức đánh giá theo chuyên đề để các tỉnh, thành phố rút kinh nghiệm, học tập lẫn nhau trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và làm tốt công tác triển khai BHYT đối với HSSV, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt; chấn chỉnh, phê bình những đơn vị chưa làm tốt./.

 

Vũ Mạnh Chữ

Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.