Dự thảo bỏ quy định bắt buộc đơn vị kinh doanh vận tải phải đóng BHXH và BHYT cho lái xe đang gây ra những phản ứng trái chiều từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và lái xe.
Nhiều bất cập quy định đóng bảo hiểm cho lái xe
Việc triển khai đóng BHXH và BHYT theo Nghị định 86, so với Luật Hợp tác xã, Luật Lao động, Luật BHXH có nhiều điểm chưa phù hợp, gây lúng túng cho DN. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, đối với mô hình HTX, Ban quản lý HTX với tư cách là chủ sử dụng lao động, đương nhiên phải ký hợp đồng lao động cho xã viên. Nhưng đối với mô hình HTX cung ứng dịch vụ, giữa Ban quản lý HTX với xã viên chỉ là quan hệ kinh tế. “Thực tế, tại nhiều HTX, lãnh đạo không phải là chủ phương tiện, không trực tiếp trả lương cho thành viên HTX. Còn các thành viên HTX mới thực sự làm chủ phương tiện, quyết định việc tuyển chọn, thỏa thuận hợp đồng lao động với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe. Trường hợp này, HTX cung cấp một số dịch vụ cho xã viên, đổi lại xã viên đóng một khoản lệ phí theo thỏa thuận, như vậy là không phát sinh quan hệ lao động”, ông Liên nói.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Điện Biên cho biết, Điều 11, Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định, đơn vị kinh doanh vận tải phải đóng bảo hiểm cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay số đơn vị vận tải chấp hành quy định này khá khiêm tốn. Thực tế, tại tỉnh Điện Biên, chỉ có 5% DN đóng bảo hiểm cho lái xe.
Lái xe có tiếp tục được đóng bảo hiểm?
Luật sư Thái Văn Chung, hãng Luật Nguyên Giáp cho rằng, đối chiếu với Luật BHXH vừa sửa đổi có quy định bảo hiểm bắt buộc trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động phải đóng một phần bảo hiểm cho người lao động. Tuy nhiên, HTX cung ứng dịch vụ, không có quan hệ lao động, đương nhiên không phải đóng khoản bảo hiểm này. Chỉ HTX với tư cách là người sử dụng lao động mới phải đóng bảo hiểm cho người lao động.
“Qua kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải trên địa bàn cả nước, bên cạnh các đơn vị kinh doanh thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với lái xe, giúp họ yên tâm làm việc, vẫn còn một số DN và nhiều HTX hoạt động dịch vụ vận tải không đóng BHXH, BHYT cho lái xe mà giao chủ xe là xã viên HTX. Vì vậy, cần tiếp tục duy trì quy định đóng BHXH cho lái xe và cán bộ quản lý ATGT để đảm bảo đối tượng này làm việc ổn định tại đơn vị vận tải”. |
“Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Nếu các văn bản dưới luật có những điều cùng một vấn đề thì phải tuân thủ việc áp dụng theo luật, vì luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Nghị định và các văn bản hướng dẫn phải phù hợp với Bộ luật Lao động”, luật sư Chung nói và cho rằng, bỏ quy định trong Dự thảo thay thế Nghị định 86 là phù hợp với thực tiễn.
Đồng tình quan điểm này, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, việc bỏ quy định trong Nghị định 86 là hợp lý. “Không đưa vào nghị định điều kiện kinh doanh vận tải, không có nghĩa DN không phải đóng bảo hiểm cho lái xe mà DN phải chịu sự điều chỉnh của Luật Lao động”.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam chia sẻ, trong Luật Lao động đã điều chỉnh nội dung này nên việc không đưa vào nghị định không có nghĩa không thực hiện. Tuy nhiên, nếu được triển khai trong Nghị định, được tuyên truyền, quán triệt đến từng đơn vị kinh doanh vận tải cụ thể, sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, sẽ giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh, kiểm tra, DN về kinh doanh vận tải.
Điều 11, Nghị định 86 quy định đối với lái xe, người điều hành vận tải và xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải quy định: Lái xe kinh doanh vận tải phải đảm bảo các yêu cầu như: Phải được đơn vị kinh doanh vận tải đóng BHXH và BHYT theo quy định; Phải được khám sức khỏe định kỳ và được cấp giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Y tế. |
theo baogiaothong.vn