Cơn khát nhân lực trong các ngành tài chính, ngân hàng đã dai dẳng trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dự kiến sẽ tiếp tục bùng phát trong những năm tới.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng… trong giai đoạn 2016 – 2025 lên tới 10.800 chỉ tiêu/năm. Đó là chỉ tính riêng tại TP.HCM.
Trong bối cảnh đó, Đại học (ĐH) Ngân hàng TP.HCM (BUH) đã đầu tư thích đáng để ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng nhu cầu không những trong nước mà còn đón đầu xu hướng dịch chuyển lao động trong khu vực vào những năm tới.
Đào tạo đẳng cấp quốc tế
Phó giáo sư, tiến sĩ Lý Hoàng Ánh, Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết trên cả nước, mỗi năm VN cần từ 15.000 – 20.000 lao động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đặc biệt là nguồn lao động trẻ chất lượng cao. Với bề dày hơn 40 năm phát triển, ĐH Ngân hàng TP.HCM không những cung cấp nguồn lao động cho thị trường mà cũng là cái nôi của các nhà nghiên cứu, các công trình khoa học, góp phần đảm bảo thị trường tài chính, ngân hàng của VN phát triển bền vững.
Thích ứng với quá trình hội nhập và nâng cao chất lượng đào tạo, các chương trình giảng dạy và tài liệu của ĐH Ngân hàng TP.HCM được biên soạn dựa trên các chương trình của nhiều trường ĐH nổi tiếng trên thế giới như Anh, Úc, Mỹ, Phần Lan.
Một trong những thế mạnh nổi trội của ĐH Ngân hàng TP.HCM là hợp tác quốc tế với rất nhiều chương trình đào tạo đa dạng liên kết với các trường ĐH uy tín trên thế giới. Có thể kể ngay đến chương trình liên kết với ĐH Bolton (Anh) để đào tạo cử nhân kế toán, cử nhân quản trị kinh doanh và thạc sĩ quản trị kinh doanh; liên kết với ĐH Khoa học ứng dụng Tây Bắc của Thụy Sĩ để đào tạo thạc sĩ quản trị tài chính ngân hàng; với ĐH Tampere của Phần Lan để đào tạo thạc sĩ quản trị rủi ro, bảo hiểm… Bên cạnh đó, trường còn phối hợp với các ngân hàng và tập đoàn tài chính quốc tế để đào tạo chuyên sâu các kỹ năng quản trị tài chính ngân hàng.
Không chỉ chú trọng đến thị trường trong nước, tiến sĩ Ánh cho biết ĐH Ngân hàng TP.HCM đã và đang tích cực chuẩn bị cho sự di chuyển lực lượng lao động trong khu vực. Thế nên ngoại ngữ chuyên ngành là điều luôn được chú trọng ở ĐH Ngân hàng TP.HCM.
Bám sát thực tế
Đào tạo bám sát thực tế để đáp ứng nhu cầu của thị trường là một thế mạnh khác của ĐH Ngân hàng TP.HCM. Có lẽ đó là lý do quan trọng giúp các sinh viên (SV) sau khi ra trường thăng tiến mạnh mẽ trong nghề nghiệp. Tiến sĩ Ánh cho biết rất nhiều cựu SV của trường đã và đang nắm giữ các vị trí, trọng trách lớn trong ngành ngân hàng cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng của VN.
Sau khi tốt nghiệp, SV theo học ngành tài chính, ngân hàng có thể làm việc trong các lĩnh vực phân tích tài chính, quản lý quỹ, kiểm soát tín dụng, quản trị tài sản và nguồn vốn, kiểm toán nội bộ ngân hàng thương mại, kinh doanh tiền tệ, tài trợ thương mại, phân tích tài chính doanh nghiệp, định giá tài sản, tư vấn mua bán… Đó đều là những ngành đang có nhu cầu tuyển dụng rất cao trên thị trường.
Kỳ tuyển sinh trong năm 2017 này, tài chính – ngân hàng được dự đoán là ngành học thu hút rất nhiều thí sinh trên cả nước và ĐH Ngân hàng TP.HCM vẫn luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu.
ĐH Ngân hàng TP.HCM là trường ĐH công lập đã có bề dày 40 năm phát triển, đào tạo đa ngành, bao gồm quản trị kinh doanh, kế toán kiểm toán, hệ thống thông tin quản lý, ngoại ngữ, kinh tế quốc tế, luật kinh tế… Trong số này, tài chính, ngân hàng vẫn là ngành đào tạo mũi nhọn, được chú trọng nâng cao chất lượng mỗi ngày.
Là cơ sở giáo dục công lập được tổ chức và hoạt động dưới sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp của NHNN Việt Nam và chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ GD-ĐT, trực thuộc NHNN, cơ sở vật chất được đầu tư thích đáng, uy tín về mặt học thuật, có nhiều chương trình học bổng hấp dẫn, tỷ lệ SV tốt nghiệp tìm được việc làm cao… tiếp tục là những lý do khiến ĐH Ngân hàng TP.HCM là lựa chọn đúng đắn, hàng đầu cho SV trong cả nước. |
theo thanhnien.vn