Bancassurance: chi phí “vượt mặt” kênh truyền thống

Cạnh tranh khốc liệt giành đối tác đang đẩy chi phí của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) lên cao, thậm chí cao hơn cả kênh truyền thống là đại lý bảo hiểm.

Vài năm trở lại đây, bancassurance được các doanh nghiệp xem là kênh phân phối tiềm năng trong tương lai, bên cạnh kênh đại lý.

Việc hợp tác với ngân hàng từng được các doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng có lợi thế chi phí thấp hơn so với kênh truyền thống do không mất chi phí đào tạo.

Nhiều doanh nghiệp đã tập trung đầu tư phát triển kênh phân phối này, trong đó đẩy mạnh xu hướng ký hợp đồng hợp tác độc quyền với ngân hàng. Thực tế cho thấy, doanh thu của kênh phân phối này đã tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, góp phần tích cực vào đà tăng trưởng của toàn thị trường.

Số liệu của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, năm 2016, thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ở mức 31,8% so với cùng kỳ, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 50.455 tỷ đồng (số lượng hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực ước đạt 6.459.066 hợp đồng).

Thời gian qua, doanh thu từ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng tăng trưởng tốt. Nhưng chi phí bán hàng cũng ngày càng tăng và không hề thấp hơn kênh đại lý như những gì doanh nghiệp từng nghĩ

Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới từ kênh bancassurance, theo ước tính của một số doanh nghiệp, đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu toàn thị trường năm qua. Trong đó, Manulife Việt Nam đang là doanh nghiệp chiếm lĩnh kênh này lớn nhất, với thị phần khoảng 18%.

Một số doanh nghiệp bảo hiểm khác tập trung đầu tư cho kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng cũng ghi nhận doanh thu khai thác mới đáng kể trong năm 2016 cũng như những tháng gần đây như Prudential Việt Nam, Dai-ichi Việt Nam…

Doanh thu phí tăng trưởng đáng kể, nhưng cùng với đó chi phí cho kênh bancassurance cũng bị đẩy lên cao, mất đi lợi thế “giá rẻ” vốn có. Thực trạng này đã được một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nêu ra tại Hội nghị chuyên đề thị trường bảo hiểm nhân thọ 2017 tổ chức mới đây.

“Thời gian qua, doanh thu từ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng tăng trưởng tốt. Nhưng chi phí bán hàng cũng ngày càng tăng và không hề thấp hơn kênh đại lý như những gì doanh nghiệp từng nghĩ. Tất nhiên, điều này chúng tôi cũng dự đoán trước phần nào và cơ quan quản lý giờ đây cũng đã nhận thấy”, đại diện BIDV – Metlife nói và khẳng định thêm, vấn đề trên nếu không sớm được tháo gỡ sẽ gây cản trở lớn với sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm.

Chi phí bán bảo hiểm ngân hàng bao gồm hoa hồng cho đối tác và các loại chi phí liên quan khác đang bị kêu là cao, đặc biệt ở các hợp đồng độc quyền được ký giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng. Theo tiết lộ của một doanh nghiệp bảo hiểm, chi phí cho kênh này có thể chiếm tới trên 50% doanh thu phí sản phẩm. Trong khi đó, mức hoa hồng tối đa theo quy định của Bộ Tài chính đối với kênh đại lý là 40%. 

Chi phí cho kênh bancasurrance bị đẩy lên cao, theo phân tích của một số doanh nghiệp, có liên quan trực tiếp đến những bất cập của hành lang pháp lý cho hoạt động này. Đó là Thông tư liên tịch số 86/2014 (Thông tư 86) của Liên bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, hành lang pháp lý cho hoạt động bancassurance.

“Thông tư 86 đề cập đến nhiều quy định liên quan đến đại lý tổ chức kênh truyền thống như đại lý bảo hiểm, tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhưng lại thiếu cơ chế quản lý đối với người trực tiếp bán hàng, thiếu cơ chế thưởng hoặc các cơ chế quản lý tài chính cùng chế tài liên quan đến  cạnh tranh giữa các ngân hàng (tổ chức tín dụng) trong việc tìm đối tác để hợp tác. Hiện các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang có xu hướng chạy đua tìm kiếm càng nhiều ngân hàng càng tốt trong khi đang thiếu cơ chế quản lý, gây xáo trộn thị trường”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nêu quan điểm.

Đại diện BIDV- Metlife cho biết, trong quá trình triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đúc rút được nhiều bất cập liên quan đến Thông tư 86 và đang xem xét để gửi kiến nghị lên Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, từ đó, đề xuất lên cơ quan quản lý là Bộ Tài chính.

Từ phía Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ông Phan Kim Bằng, Chủ tịch Hiệp hội cho biết sẽ phối hợp với các doanh nghiệp hội viên kiến nghị lên cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh hơn.

Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, chi phí cho kênh bancassurance ngày một tăng đang khiến một số doanh nghiệp bảo hiểm “chùn tay” trong ký hợp đồng độc quyền, dù kênh phân phối này được kỳ vọng sẽ đóng góp tới 40 – 50% tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm trong tương lai. 

theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.