“Diện bao phủ của BHXH Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới. Nhiều người lao động chưa được tham gia BHXH và được bảo vệ trước những rủi ro trong quá trình làm việc như ốm đau, tai nạn lao động, thất nghiệp… Nhiều người già không có lương hưu, phải tự lo hoặc sống phụ thuộc vào con cái” – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết tại hội thảo do Bộ LĐTBXH và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức mới đây.
Nhiều lao động chưa thể tham gia BHXH
Chị Đặng Thị Ng (quê huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho biết: Nếu sống ở quê, thu nhập của cả gia đình chị chỉ trông chờ vào 6 sào lúa, trong khi vợ chồng chị phải nuôi 3 đứa con ăn học. Những lúc nông nhàn, chồng chị đi làm thợ hồ, chị chạy vạy buôn bán nhỏ nhặt, đồng tiền kiếm thêm cũng chẳng đáng là bao. Chính vì vậy, vài năm nay, chị phải ly hương lên Hà Nội làm lao động tự do kiếm sống. Với sự giúp đỡ của những người cùng quê đi trước, chị bắt đầu làm công việc dọn dẹp, lau nhà cho những người có nhu cầu, hoặc làm bất cứ công việc gì được thuê. Làm lụng vất vả, nhưng thu nhập bình quân một tháng của chị cũng chỉ khoảng 3-3,5 triệu đồng.
Như nhiều lao động tự do khác, chị không có cơ hội được tham gia BHXH bắt buộc. “Hiện tại thu nhập của tôi, tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống cá nhân, nhất là nuôi các con. Mà giả sử được tham gia đóng BHXH, thì với thu nhập thấp như vậy, không biết sau khi đóng sẽ còn bao nhiêu tiền để trang trải cuộc sống? Đấy là nói trong trường hợp mọi chuyện diễn ra bình thường, còn nếu mà tôi xảy ra ốm, đau, phải chi phí nhiều thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với gia đình mình. Khi ốm đau, do không được đóng BHXH nên tôi không được khám, chữa theo chế độ BHYT, chắc chắn chi phí sẽ cao hơn, trong khi thời gian đó, mình lại không đi làm được để kiếm tiền” – chị Ng chia sẻ. Điều lo lắng hơn đối với chị là sau này, khi tuổi đã cao, sức đã yếu, không thể đi xa làm lụng được nữa, lại không có lương hưu, thì không biết sẽ sống bằng gì? Có lẽ, ngoài việc nuôi trồng thêm để lo bữa ăn hằng ngày, thì chỉ hy vọng vào sự trợ giúp của các con, khi đó đã đến tuổi
trưởng thành.
Chị Ng cũng chỉ là một trong rất nhiều lao động tự do không thể tham gia BHXH bắt buộc. Họ có thể tham gia BHXH tự nguyện, nhưng nhiều người trong số họ vẫn rất băn khoăn về thủ tục, cũng như lợi ích khi tham gia. Theo Tổ chức ILO tại Việt Nam, chương trình hiện tại chưa được điều chỉnh để bao gồm nhóm lao động tự làm và các hình thức lao động phi kết cấu. Bên cạnh đó, các DN nhỏ và vừa, lao động với hợp đồng ngắn hạn, và các doanh nghiệp gia đình phần lớn vẫn đang nằm ngoài hệ thống BHXH.
Mở rộng độ bao phủ
Tại hội thảo do Bộ LĐTBXH và ILO tổ chức mới đây, Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2020 sẽ có một nửa lực lượng lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ khoảng 24% lực lượng lao động, tương đương trên 13 triệu người đang tham gia hệ thống BHXH. Có gần 3 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu. Theo nguyên Giám đốc Ban An sinh xã hội của ILO Michael Cichon, tỉ lệ bao phủ BHXH ở mức thấp là một trong những vấn đề chính của hệ thống an sinh xã hội mà Việt Nam đang cố gắng giải quyết. “Cần tăng độ bao phủ của BHXH, để Nhà nước có thể tập trung vào những đối tượng chưa được bảo vệ, với mục đích đảm bảo rằng mọi người đều nhận được hỗ trợ khi cần” – ông Cichon cho biết.
Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee khuyến cáo, Việt Nam cần có thêm nhiều chính sách thực hiện và thu hút hiệu quả hơn, bao gồm tăng cường thanh tra trong lĩnh vực BHXH, nhằm mở rộng diện bao phủ của BHXH.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu hệ thống BHXH thống nhất phương pháp tiếp cận và giải pháp đề ra vẫn cơ bản phải phù hợp với quy luật và xu hướng chung của thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có tình trạng già hóa dân số rất nhanh, nhiều báo cáo cho rằng là điển hình của thế giới. Tất cả mọi chính sách thực hiện cho già hóa dân số đều phải thực hiện trước ít nhất 15-20 năm, vì vậy thời gian thực hiện cải cách chính sách BHXH rất gấp rút. Ngoài ra, chính sách BHXH cần đồng bộ với các chính sách xã hội khác, đảm bảo đời sống thiết yếu cho người dân.
Để mở rộng diện bao phủ BHXH, Phó Thủ tướng yêu cầu: Bộ LĐTBXH phối hợp với các cơ quan chức năng thống kê số liệu chính xác số người tham gia BHXH. Đối với lực lượng lao động thuộc diện đóng bảo hiểm bắt buộc mà chưa đóng, các cơ quan chức năng phải có giải pháp toàn diện để bảo vệ quyền lợi cho người lao động; mở rộng, đổi mới bảo hiểm tự nguyện trên cơ sở cơ quan bảo hiểm coi người đóng bảo hiểm như khách hàng và có sự kết nối giữa bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện; chỉ đạo, giao chỉ tiêu, trách nhiệm mở rộng BHXH cho từng địa phương; bên cạnh đó cần sự vào cuộc của hệ thống đoàn thể để người dân hiểu được lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, để thực hiện tốt những mục tiêu trên thì rất cần bước chuyển mạnh của cải cách thủ tục hành chính. Điều này sẽ gián tiếp làm tăng độ bao phủ của BHXH cũng như bảo đảm quỹ BHXH bền vững.
Tại hội thảo do Bộ LĐTBXH và ILO tổ chức, ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – nêu ra “khoảng trống” trong BHXH bắt buộc do nước ta chưa thống kê đầy đủ số người thực chất trong diện đóng loại bảo hiểm này. Bên cạnh đề xuất về mức đóng BHXH, ông Mai Đức Chính kiến nghị việc tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cân bằng quỹ cần phải cân nhắc cho phù hợp với từng đối tượng và đặc thù công việc của mỗi đối tượng này.
theo laodong.com.vn