Tham gia BHXH, BHYT, người lao động được hưởng lợi gì?

Chính sách BHXH được thực hiện theo phương thức người lao động có việc làm, khỏe mạnh sẽ đóng góp một phần tiền lương, thu nhập vào Quỹ BHXH.

Chính sách BHXH được thực hiện theo phương thức người lao động có việc làm, khỏe mạnh sẽ đóng góp một phần tiền lương, thu nhập vào Quỹ BHXH. Do vậy, hoạt động BHXH vừa đòi hỏi trách nhiệm cao của từng người lao động đối với bản thân mình và cũng thể hiện sự gắn kết trách nhiệm giữa các thành viên trong xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa. Theo quy định của Luật BHXH, từ 1/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.

Hiện lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ 1/1/2018, để hưởng mức trên, lao động nam phải đóng đủ 16 năm; tới 2022 phải tham gia 20 năm BHXH mới được hưởng mức 45%. Muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm thay vì 30 năm như hiện nay.

Lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 đóng đủ 31 năm BHXH hưởng lương hưu tối đa 75% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nếu lao động nam nghỉ hưu từ năm 2019, 2020, 2021 và 2022 trở đi phải đóng tương ứng từ 32 – 35 năm BHXH mới được hưởng 75%. Muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, người lao động đóng BHXH thêm 5 năm nữa so với hiện nay. Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì bị trừ 2%.

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho hay, theo cách tính mới, lương hưu của người lao động sẽ bị điều chỉnh ít nhiều, nhất là lao động khu vực tư gồm doanh nghiệp, tư nhân. Song ông khẳng định, không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn so với người nghỉ hưu từ 2018 trở đi. Bởi lương hưu phụ thuộc nhiều yếu tố như tỷ lệ hưởng, tiền lương đóng BHXH bình quân, thời điểm hưởng, thời gian hưởng lương hưu…

TS. Bùi Sỹ Lợi phân tích, Luật BHXH 2014 đã quy định tăng tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc nên lương hưu sẽ cao hơn. Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết 2017, mức đóng dựa trên lương cộng phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. Từ 1/1/2018 trở đi, mức đóng dựa trên lương cùng phụ cấp và các khoản bổ sung ghi trong hợp đồng lao động.

Phụ cấp được xác định là các khoản cố định, ít biến động, gồm tiền để bù đắp điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ. Hàng tháng, người lao động đóng 8%, còn lại 18% sẽ do người sử dụng lao động đóng, tổng cộng 26% đóng vào quỹ BHXH.

“Chưa kể lương tối thiểu vùng năm nào cũng được điều chỉnh và lương cơ sở có lộ trình tăng”, ông Lợi nói.

Luật BHXH cũng quy định từ 1/1/2016, công chức, viên chức tham gia BHXH lấy lương bình quân 15 năm cuối để làm căn cứ tính hưởng lương hưu thay vì 5 năm cuối như trước đây. Căn cứ tính lương hưu cho người lao động trong doanh nghiệp là bình quân cả quá trình đóng.

Theo phân tích của TS. Lợi, người dân, người lao động tham gia vào hệ thống BHXH sẽ được ổn định cuộc sống, được Quỹ BHXH trợ giúp khi gặp rủi ro như: ốm đau, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp để sớm trở lại trạng thái sức khỏe ban đầu cũng như sớm có việc làm. Khi ốm đau sẽ được đi khám chữa bệnh và được Quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí; được nhận tiền trợ cấp khi ốm đau không thể đi làm được; được nghỉ chăm con ốm; được nghỉ khám thai, được nghỉ khi sinh đẻ và nuôi con, được nhận trợ cấp khi sinh con; khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp dẫn đến suy giảm khả năng lao động thì được hưởng trợ cấp. Khi người lao động mất việc làm sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp; được giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm mới.

Tiếp đến, chính sách BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí đã góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động. Theo quy định của Luật BHXH, người lao động tham gia đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, khi hết tuổi lao động hoặc mất sức lao động thì được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hằng tháng. Với nguồn lương hưu và trợ cấp BHXH, người lao động khi hết tuổi lao động sẽ có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống sinh hoạt hằng ngày…

theo suckhoedoisong.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.