Đó là tiêu đề của Hội thảo do BHXH Việt Nam phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức sáng 31/3/2017 tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam Chang-Hee-Lee; đại diện Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; Thanh tra Bộ LĐTBXH; Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI); cùng các chuyên gia ILO, đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và các Bộ, Ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, hệ thống ASXH của Việt Nam có tính đồng bộ, đa tầng, với trụ cột chính là BHXH, BHYT. Chính sách ASXH ngày càng mở rộng, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn. Đối tượng tham gia năm sau luôn cao hơn năm trước. Cùng với những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Diện bao phủ BHXH mới chỉ đạt trên 20% lực lượng lao động, còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020; Số người tham gia BHYT tuy đã đạt 82% dân số nhưng vấn đề duy trì bền vững vẫn còn nhiều thách thức; tình trạng trốn đóng, nợ đọng vẫn còn phổ biến, năm 2016, tổng số nợ chiếm 3,3% số phải thu, trong đó nhiều doanh nghiệp nợ hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra chưa cao, chưa tạo được chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật BHXH sửa đổi năm 2014 và Nghị định của Chính phủ, từ tháng 6/2016, BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Thanh tra, kiểm tra là phương thức của quản lý; chính sách pháp luật về thanh tra, kiểm tra cần tiếp tục được hoàn thiện cho phù hợp với tính đa dạng, phức tạp trong hoạt động BHXH; chế tài xử phạt phải đủ mạnh để tác động đến thay đổi nhận thức, hành vi; thanh tra kiểm tra không chỉ phát hiện, thu hồi, xử lý vi phạm, mà quan trọng hơn là nâng cao kỷ cương, kỷ luật, ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đảm bảo quyền an sinh xã hội cho mọi công dân theo quy định của Hiến pháp 2013, Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam mong rằng, tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý, đại diện các bộ, ban, ngành sẽ đánh giá những mặt được, chưa được, chia sẻ những bài học, kinh nghiệm quốc tế; chỉ ra những bất cập trong cơ chế, chính sách để công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang-Hee-Lee khẳng định, tình trạng trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ của các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn diễn ra phổ biến, với nhiều hình thức khác nhau như: Không đăng ký, không ký hợp đồng hoặc đăng ký tham gia BHXH với mức lương thấp hơn thực tế; tình trạng chậm đóng, trốn đóng cũng diễn ra phổ biến, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ông Chang-Hee-Lee nhấn mạnh, việc BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là một quyết định quan trọng. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra, kiểm tra của Ngành BHXH hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu, mỗi cán bộ bình quân phụ trách theo dõi khoảng 100 nghìn lao động, trong khi theo ILO khuyến nghị các nước đang phát triển thì mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra chỉ phụ trách từ 1.000 đến 2.000 lao động. Vấn đề hiện nay không chỉ ở số lượng, mà theo tìm hiểu của ILO, cứ 10 cán bộ thanh tra, kiểm tra thì mới chỉ có 1 cán bộ được đào tạo bài bản và được giao chính thức thanh tra viên chính. Vấn đề này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn khá phổ biến ở các nước trên thế giới – Ông Chang-Hee-Lee cho biết.
Báo cáo về thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam, ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Thanh tra – Kiểm tra cho biết, hệ thống thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam có 2 cấp quản lý, cấp Trung ương là Vụ Thanh tra – Kiểm tra thuộc BHXH Việt Nam; cấp tỉnh là Phòng Thanh tra – Kiểm tra thuộc BHXH tỉnh, thành phố. Tính đến tháng 12/2016, toàn Ngành có hơn 1.500 người làm công tác TTKT. Trong đó, Vụ Thanh tra – Kiểm tra có 33 cán bộ, các Phòng Thanh tra – Kiểm tra ở cấp tỉnh có 458 cán bộ, số còn lại là các cán bộ thuộc một số đơn vị nghiệp vụ khác. Hàng năm, cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra đều được cử đi học các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Năm 2016, đã tiến hành hơn 7.500 cuộc thanh tra, kiểm tra tại gần 1.300 đơn vị.
Về những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, ông Trần Đức Long cho biết, hiện nay, những biện pháp, chế tài của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với mức phạt còn thấp; hàng năm, số đơn vị được phối hợp thanh tra, kiểm tra chưa nhiều và chưa thường xuyên; chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra của các đoàn phối hợp còn chưa cao; công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra tại cấp huyện còn rất hạn chế; việc triển khai ứng dụng CNTT trong công tác thanh tra, kiểm tra còn chậm; phối hợp chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với các cơ quan liên quan về quản lý doanh nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu; các đối tượng kiểm tra đôi khi còn cản trở, không hợp tác; công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay mới chỉ dừng ở phát hiện, kiến nghị, hiệu quả thực thi kết luận thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; cơ quan BHXH không còn được giao quyền khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chức năng này đã được giao cho tổ chức công đoàn, nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, nên việc thu hồi nợ đọng gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc này, ông Trần Đức Long đề nghị, cần phải giao chức năng thanh tra chuyên ngành BHXH đầy đủ hơn để xử lý các vi phạm trong quản lý chi trả các chế độ BHXH, đặc biệt là việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; nâng cao hiệu quả công tác khởi kiện; tăng cường trao đổi thông tin, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan liên quan phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm…
Phát biểu tại Hội thảo, Chánh thanh tra Bộ LĐTBXH Nguyễn Tiến Tùng cho biết, công việc của Thanh tra Bộ đang bị quá tải, không thể bao quát được tất cả các lĩnh vực thuộc Bộ quản lý. Do vậy, việc BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là rất quan trọng, giúp đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động, tăng cường tính tuân thủ pháp luật của chủ SDLĐ và toàn xã hội về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tuy nhiên, một số quy định về quyền xử phạt, mức xử phạt của Giám đốc BHXH tỉnh vẫn còn hạn chế, khi vượt thẩm quyền phải chuyển thanh tra Bộ LĐTBXH, như vậy sẽ không kịp thời xử lý được các trường hợp vi phạm.
Chia sẻ về các nguyên tắc và thực tiễn công tác thanh tra, kiểm tra an sinh xã hội của các nước trên thế giới, ông Paguman Singh, chuyên gia quốc tế của ILO cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra bước đầu phải mang tính tư vấn, khuyến khích, cung cấp thông tin cho chủ sử dụng lao động (SDLĐ) và NLĐ về việc tuân thủ các quy định của pháp luật, sau đó mới đến xử phạt hành chính và các hình thức xử phạt cao hơn; phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến điều kiện làm việc và bảo vệ NLĐ trong quá trình làm việc; thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề thiếu sót, bất cập chưa được quy định tại các quy phạm pháp luật hiện hành để có biện pháp điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Tại hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều đang tồn tại 03 hình thức thanh tra, kiểm tra chính: Thanh tra định kỳ được thực hiện hàng năm; thanh tra theo dõi được tiến hành tiếp theo việc thanh tra định kỳ khi phát hiện tình trạng nợ đọng, chậm đóng; thanh tra khảo sát nhằm xác định các cơ sở mới thành lập, chủ SDLĐ và NLĐ chưa đăng ký tham gia. Việc áp dụng hình thức thanh tra nào tùy thuộc vào việc tuân thủ pháp luật của chủ SDLĐ, nếu việc tuân thủ kém thì cần phải thanh tra nhiều lần và phải có những quyết định xử phạt đủ tính răn đe, ông Paguman Singh nhấn mạnh.
Ông Paguman Singh lưu ý thêm, ngoài việc thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp, cần phải lưu ý đến một số trường hợp để thực hiện thanh tra như: NLĐ không khai báo đang làm việc để vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp; không khai báo người thụ hưởng chế độ BHXH bị mất để tiếp tục nhận trợ cấp của người đã mất…
Để nâng cao năng lực thanh tra BHXH ở Việt Nam, ông Paguman Singh khuyến nghị, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH tới chủ SDLĐ và NLĐ để nâng cao tính tuân thủ pháp luật; công khai các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; cung cấp thường xuyên về tình trạng đóng BHXH của chủ SDLĐ cho NLĐ để họ chủ động trong việc theo dõi các quyền lợi của mình; có biện pháp xử phạt tức thời đối với người SDLĐ khi không tuân thủ pháp luật về BHXH.
Đại diện cho Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động đề nghị, Nhà nước và Chính phủ cần phải ban hành, sửa đổi kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH, nhất là về cơ chế, chính sách xử lý nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ở những doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn để giải quyết quyền lợi cho NLĐ; nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn và NLĐ trong việc thanh tra, kiểm tra các đơn vị SDLĐ; đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…
Cùng quan điểm với đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Kiều Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) cho rằng, cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thực hiện trình tự giải quyết đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là giải quyết vấn đề thu nhập và chi phí đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ khi doanh nghiệp phá sản. Về giải pháp để nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nói chung, cũng như nâng cao năng lực công tác thanh tra, kiểm tra nói riêng, ông Kiều Văn Minh nhấn mạnh, giải pháp quan trọng nhất phải là đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước để đối chiếu, rà soát việc tuân thủ các quy định pháp luật về lao động, BHXH, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thanh tra – Kiểm tra Trần Đức Long trân trọng cảm ơn các chuyên gia ILO, các đại biểu đã tích cực thảo luận, phân tích chỉ ra những bất cập trong công tác thanh tra, kiểm tra BHXH ở Việt Nam, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp trong tổ chức thực hiện tại các nước trên thế giới và kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai, phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Vụ trưởng Vụ Thanh tra – Kiểm tra khẳng định, những nội dung tại Hội thảo này sẽ giúp cho việc đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, cũng như tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra BHXH trong thời gian tới tại Việt Nam đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho đất nước./.
theo baohiemxahoi.gov.vn