“Hà Nội có quyết tâm đến Quốc khánh 2/9 hay kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10 toàn bộ người dân Thủ đô sẽ được lập hồ sơ quản lý, chăm sóc sức khỏe?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi này trong buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội, sáng 9/2.
Làm sao để không còn cảnh có bệnh mới đi khám?Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm Trạm Y tế phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, hiện đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho hơn 24.000 người dân trên địa bàn.
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng về số lượng người dân đến khám, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Mỗ Trần Thị Hoa cho biết hiện chỉ có khoảng 10% số trường hợp người dân chủ động đến khám sức khỏe tại Trạm khi chưa có bệnh. Từ tháng 6/2016, Trạm đã kết hợp khám chữa bệnh và khám sàng lọc, lập hồ sơ sức khỏe cho khoảng 6.000 người dân.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Thu Trang, đến nay đã có 3 phường trên địa bàn quận triển khai thí điểm việc khám sàng lọc, lập hồ sơ sức khỏe cho người dân và nhận được những đánh giá hết sức tích cực, có đến 98% người khám lần đầu hứa sẽ tái khám.
“Nếu có nguồn kinh phí trích từ nguồn thu BHYT trên địa bàn thì các đồng chí có làm được tốt hơn không?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi. Bác sĩ Trần Thị Hoa cho biết: “Ngoài nhân lực hiện tại, trạm còn có mạng lưới cộng tác viên đến từng tổ dân phố và cùng với sự hỗ trợ hỗ trợ trực tiếp từ Trung tâm Y tế quận nên việc lập sổ quản lý sức khỏe cho từng người dân hoàn toàn có thể thực hiện được”.
Phó Thủ tướng gợi ý: Các đồng chí tính thử với 24.000 người dân thì nguồn thu BHYT ở một phường như Tây Mỗ là hơn 15 tỷ đồng. Nếu chỉ dành 10% nguồn kinh phí BHYT cho trạm y tế thì người dân hoàn toàn có thể được khám định kỳ, có hồ sơ quản lý sức khỏe, được tư vấn sức khỏe, định hướng chuyển tuyến khi có bệnh… không còn cảnh có bệnh mới đi khám.
Từ đó khắc phục tình trạng nhiều trạm y tế xã/phường được đầu tư rất khang trang nhưng cán bộ y tế có ít việc để làm, thu nhập thấp mà trình độ chuyên môn cũng ít nhiều đi xuống.
“Hiện nay trong 10 người có thẻ BHYT nhưng chỉ có khoảng 4 người sử dụng thẻ để đi khám ở y tế cơ sở. Rất nhiều người dân đi khám bệnh khi bệnh nặng rồi chứ không bao giờ chưa có bệnh mà đi kiểm tra sức khỏe.
Vì vậy, lập được sổ quản lý sức khỏe, khám định kỳ cho người dân không chỉ đúng về mặt khoa học y tế, mà có thể nói đây là mơ ước của tất cả mọi người dân, của tuyệt đại đa số cán bộ ngành y tế, ngành bảo hiểm và thể hiện rất rõ định hướng xã hội chủ nghĩa đó là làm sao chúng ta quản lý, chăm sóc được sức khỏe ban đầu cho tất cả người dân Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Quyết tâm của Hà Nội
Làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội, Phó Thủ tướng cho biết đã trực tiếp khảo sát việc triển khai thí điểm việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho từng người dân tại một tỉnh đồng bằng là Bắc Ninh, một tỉnh trung du miền núi là Phú Thọ cũng đang triển khai thí điểm. Và hôm nay Phó Thủ tướng khảo sát tại địa bàn một thành phố lớn như Hà Nội với những đặc thù rất cụ thể.
“Ý kiến các đồng chí hôm nay rất quan trọng nên chúng ta phải thảo luận chi tiết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua Hà Nội đã triển khai thí điểm việc khám sàng lọc, theo dõi, quản lý sức khỏe một số bệnh mạn tính tại trạm y tế; bước đầu nối mạng toàn bộ các trạm, cơ sở y tế, lập cơ sở dữ liệu dân cư trên địa bàn…
“Trong 5 năm vừa qua, bình quân 1 trạm y tế ở Hà Nội được đầu tư 11,2 tỷ đồng nên cơ sở vật chất, trang thiết bị được bảo đảm. Chúng tôi đã thí điểm ở Sóc Sơn về theo dõi sức khỏe cho người bị bệnh mạn tính rất tốt. Với 42 cơ sở y tế công lập, trên 5.000 bác sĩ, Hà Nội hoàn toàn có thể lập các tổ khám, bổ sung thiết bị máy móc để làm theo hình thức cuốn chiếu tại tất cả các quận, huyện”, ông Chung khẳng định.
Lãnh đạo TP. Hà Nội cũng đề xuất cùng với việc giao thêm nhiệm vụ lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, khám định kỳ cho người dân, cần tiến tới xem xét cho các trạm y tế được tự chủ. Ngoài việc thực hiện các chương trình y tế từ nguồn ngân sách, các trạm này được phép thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh, mời bác sĩ giỏi, bác sĩ tư nhân đến khám ngay tại trạm y tế.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền thông tin thêm, Thành phố sẽ triển khai việc lập hồ sơ, khám bệnh lần đầu cho tất cả người dân ở các quận, huyện tại các trạm y tế xã, phường. Các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên sẽ được huy động hỗ trợ. Trung bình, một ngày ở một trạm sẽ khám được từ 300-500 người. Hà Nội cam kết sẽ hoàn thành việc lập hồ sơ quản lý sức khoẻ cho tất cả người dân trong tháng 9 tới đây.
Phó Thủ tướng lưu ý việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân là của ngành y tế và bảo hiểm còn đối với người dân quan trọng nhất là được khám, tư vấn sức khỏe, phát hiện bệnh sớm, được giới thiệu chuyển tuyến, bác sĩ phù hợp… Làm được như vậy, trạm y tế xã/phường đã thực hiện đầy đủ chức năng của y học gia đình.
Trả lời những câu hỏi liên quan đến nguồn kinh phí dành cho kế hoạch lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân và khám ban đầu cho người dân, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho hay, ngày 8/2, cơ quan này đã gửi lấy ý kiến góp ý Bộ Tài chính, Bộ Y tế dự toán kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng quỹ BHYT.Hoàn toàn bảo đảm được tài chính
Về lâu dài, cơ chế tài chính dành cho việc này sẽ được tạo nguồn từ kinh phí tiết kiệm trong tin học hóa việc thanh toán BHYT, đấu thầu thuốc tập trung, giảm các chi phí thanh toán BHYT từ việc công nhận kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng.
“Chúng tôi dự kiến, nếu cập nhật toàn bộ thông tin thanh toán BHYT lên mạng thì chúng ta sẽ tiết kiệm tối thiểu 10% tổng chi phí BHYT. Cộng với đó kinh phí tiết kiệm từ việc công nhận kết quả xét nghiệm sẽ giảm tình trạng một bệnh nhân làm một xét nghiệm nhiều lần khi chuyển tuyến”, ông Sơn nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu lãnh đạo TP. Hà Nội kiên quyết chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn phải nghiêm túc thực hiện việc cập nhật thông tin lên hệ thống thanh toán BHYT.
“Với 23.000 loại thuốc, trên 16.000 loại dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh, 150 triệu lượt khám có thanh toán BHYT trên toàn quốc, nếu không tin học hóa thì rất dễ nhầm lẫn chứ chưa nói đến có tiêu cực hay không. Thực tế vừa qua kiểm tra một số nơi, bước đầu tin học hóa tiết kiệm tối thiểu 10%. Bây giờ nối mạng tất cả phải cập nhật, chúng ta cho một thời hạn dù khó khăn kỹ thuật mấy cũng phải thực hiện cập nhật. Ai không thực hiện là có biểu hiện tiêu cực”.
Phó Thủ tướng khẳng định việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tư vấn, khám định kỳ, phát hiện bệnh sớm là đúng theo nguyên lý của y học. Đó là lấy dự phòng là quan trọng, phòng bệnh hơn chữa bệnh, đi từ cơ sở là giải pháp lâu dài để giảm tải bệnh viện, giảm chi phí y tế.Cần làm đúng theo nguyên lý y học
“Chúng ta làm việc này kết hợp mở rộng bao phủ BHYT toàn dân để người dân thấy rằng tham gia BHYT là mang lại lợi ích thiết thực chứ không chỉ đến khi có bệnh mới đi khám”, Phó Thủ tướng trao đổi.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng việc cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tích hợp với thẻ an sinh xã hội sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào và bác sĩ có thể biết được tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, không phải làm lại các xét nghiệm không cần thiết nhất là trong những trường hợp cấp cứu. Đồng thời, những thông tin này còn phục vụ cho công tác quản lý y tế như đánh giá, phân tích mô hình bệnh tật theo độ tuổi, vùng miền, chất lượng dịch vụ y tế…
Nói về những việc cụ thể trước mắt, Phó Thủ tướng cho rằng, từ kinh nghiệm của Phú Thọ, Bắc Ninh thì lực lượng y tế tuyến quận/huyện, xã/phường hoàn toàn có thể bảo đảm, tại các tỉnh miền núi sẽ có sự hỗ trợ của lực lượng thầy thuốc trẻ tình nguyện.
Khó nhất là lập hồ sơ sức khỏe ban đầu cho toàn bộ dân số, dù đã có đầy đủ dữ liệu mang tính hành chính của công dân nhưng các địa phương sẽ phải khám sức khỏe lần đầu cho tất cả mọi người dân, đồng thời tiến hành cập nhật liên tục thông tin về sức khỏe của những người đã đi khám bệnh ở những nơi khác.
Phó Thủ tướng bày tỏ đồng tình với cách làm trong đợt đầu của Hà Nội là không tính tiền công đối với cán bộ y tế mà chỉ tính tiêu hao vật tư y tế nhưng cũng lưu ý “khi khám định kỳ thì phải có chế độ thường xuyên để anh em có việc làm và tăng thêm thu nhập”.
Cùng với đó, phải tăng cường hoạt động tư vấn sức khỏe, thực hiện khám và điều trị một số bệnh; có các đợt khám chuyên khoa sâu về nhãn khoa, tim mạch, hô hấp, xương khớp…; tập huấn, nâng cao hiệu quả trong định hướng, giới thiệu chuyển tuyến, đẩy mạnh tự chủ cho các trạm y tế.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tháo gỡ ngay những vướng mắc về quyền kê đơn, quyền bán thuốc, quyền thanh toán thuốc theo BHYT, không để tình trạng bác sĩ ngồi khám, kê đơn ở chỗ này thì được thanh toán BHYT, “ngồi” chỗ kia thì không được thanh toán.
“Đây là việc rất cụ thể nhưng chắc chắn đây không phải là việc nhỏ. Đúng dịp Quốc khánh 2/9 hay Ngày Giải phóng thủ đô 10/10 mà Hà Nội nói rằng toàn bộ công dân Thủ đô có hồ sơ quản lý và chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và nếu một ngày nào đó chúng ta nói toàn bộ hơn 90 triệu người dân đều được như vậy thì đây là việc rất lớn, rất có ý nghĩa. Năm nay chúng ta triển khai được trên cả nước thì tôi tin rằng 5 năm sau diện mạo của ngành y tế sẽ thay đổi”, Phó Thủ tướng kỳ vọng.
theo baochinhphu.vn