90% doanh thu phí mới vẫn đến từ kênh đại lý
Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thị trường bảo hiểm 9 tháng đầu năm 2016 tiếp tục tăng trưởng khả quan, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 61.261 tỷ đồng, tăng 22,14% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 34.377,8 tỷ đồng, tăng 30,94% so với cùng kỳ 2015.
Đóng góp chính cho mức tăng ngoạn mục này (khoảng 90% phí bảo hiểm khai thác mới) là hàng trăm nghìn đại lý của các công ty bảo hiểm nhân thọ với vai trò là kênh bán hàng chủ yếu, trong khi các kênh phân phối khác vẫn chưa phát triển mạnh đến mức có thể cạnh tranh. Đại lý vẫn là một trong những kênh kết nối chính giữa công ty bảo hiểm nhân thọ và khách hàng, đặc biệt đối với những khách hàng lần đầu tiếp xúc với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Năm 2016, tổng doanh thu ngành bảo hiểm đạt xấp xỉ 102.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm đạt trên 86.000 tỷ đồng (tăng trưởng xấp xỉ 23%). Tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đạt xấp xỉ 240.000 tỷ đồng (tăng hơn 18%), tổng dự phòng nghiệp vụ của các DNBH đạt xấp xỉ 145.000 tỷ đồng (tăng 24%), tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt gần 53.000 tỷ đồng (tăng hơn 15%).
Thị trường bảo hiểm nhân thọ sau hơn hai thập kỷ phát triển đã dần hạn chế bớt tình trạng tuyển dụng đại lý bảo hiểm bằng mọi cách và bằng mọi giá. Nhưng sau rất nhiều cố gắng của các cơ quan chức năng, cũng như bản thân các công ty bảo hiểm thì bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa được nhiều đại lý bảo hiểm coi là một nghề có thể gắn bó lâu dài. Tất nhiên, cũng bởi đặc thù đây là nghề bán thời gian, không có lương căn bản…
Chính vì thế, kênh bán bảo hiểm này cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề như chi phí đào tạo, quản lý, chất lượng tư vấn… Đã có khá nhiều vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa công ty bảo hiểm và khách hàng thời gian qua có liên quan đến vấn đề chất lượng tư vấn bán hàng của đại lý/tư vấn bảo hiểm, cũng như việc quản lý đại lý/tư vấn bảo hiểm…
Thực tế, để hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ đại lý bảo hiểm, ngoài việc tuyển dụng và đào tạo và thi để có chứng chỉ mã số theo quy định của Bộ tài chính, một số công ty bảo hiểm nhân thọ đang có những chương trình đào tạo nâng cao cho đội ngũ đại lý bảo hiểm nòng cốt. Chất lượng đại lý đang trở thành vấn đề cấp thiết cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp nhân thọ hiện nay. Và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều đang dồn sức để nâng cao cả về chất lượng và hình ảnh người đại diện mình khi giao dịch với khách hàng.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành, để giải quyết tận gốc vấn đề chất lượng đại lý/tư vấn bảo hiểm nhân thọ, có lẽ cần một “cuộc cách mạng”.
Nên quy định khắt khe hơn?
Có ý kiến cho rằng, nên thay đổi và thống nhất tên gọi đại lý bảo hiểm cho chuyên nghiệp hơn là chuyên viên tư vấn tài chính (trên thị trường hiện nay, một số hãng bảo hiểm gọi là tư vấn bảo hiểm), vì mua bảo hiểm là tham gia một kế hoạch tài chính lâu dài, chứ không phải những sản phẩm hữu hình thông thường khác.
Tất nhiên, thay đổi tên gọi cho đúng với bản chất ngành nghề (nếu có) mới chi là thay đổi hình thức và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ chiến lược nâng chuẩn đại lý bảo hiểm nhân thọ trở nên chuyên nghiệp hơn.
Cùng với việc thay đổi tên gọi, việc nâng cấp chất lượng đại lý bảo hiểm ngay từ khâu tuyển dụng cũng cần phải thay đổi. Ngoài những quy định tuyển dụng nghiêm ngặt, với các chế tài hợp lý, cũng đã đến lúc nên quy định bằng cấp tối thiểu để tuyển dụng đại lý bảo hiểm là bằng trung cấp hoặc cao đẳng.
Đề xuất này, tất nhiên, nếu thực hiện ngay có thể không khả thi và sẽ vấp phải sự phản đối của các công ty bảo hiểm, bởi các công ty bảo hiểm sẽ khó tuyển dụng đủ đại lý với quy định này (quy định hiện tại là đại lý bảo hiểm chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học, sau khi tuyển dụng thì sẽ được đào tạo huấn luyện vài tháng để thi lấy chứng chỉ hành nghề…).
Theo Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ tháng 7/2016, “cá nhân đã được cấp chứng chỉ đại lý, nhưng không hoạt động đại lý trong thời hạn 3 năm liên tục phải thực hiện thi lấy chứng chỉ đại lý mới trước khi hoạt động đại lý”.
Đây là quy định được các doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá là cần thiết, bởi sau 3 năm không hoạt động trong ngành, các kiến thức sẽ bị mai một, nếu đại lý bảo hiểm quay lại hành nghề thì bắt buộc phải thi lấy lại chứng chỉ.
Bên cạnh đó, theo quy định mới tại Nghị định 73, các tổ chức, cá nhân cũng không được đồng thời làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài mà mình đang làm đại lý; không được thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài; điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm; không được ngăn cản bên mua bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; không được tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên, hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác…
Nghị định 73 cũng quy định khá chi tiết các điều kiện về đại lý bán bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí,…
Theo các chuyên gia trong ngành, quy định mới đã cơ bản đáp ứng được mong mỏi của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến băn khoăn về việc làm cách nào để kiểm soát những đại lý không còn hoạt động trong ngành, nhưng chưa được xóa tên trong danh sách đại lý của các công ty bảo hiểm.
Trao đổi với Đặc san Bảo hiểm, một chuyên gia trong ngành nói rằng, một số công ty vẫn duy trì tên của không ít đại lý bảo hiểm không còn hành nghề trong thời gian dài. Dù kiến thức của những đại lý này có thể bị mai một, nhưng họ sẽ không bị yêu cầu phải thi lấy chứng chỉ khi quay lại hành nghề, vì trên danh nghĩa, họ vẫn có tên trong nhóm hành nghề đại lý liên tục. Như vậy, mục tiêu nâng cao chất lượng đại lý khó có thể đạt được. Sẽ hợp lý hơn nếu cơ quan chức năng quy định tất cả các đại lý bảo hiểm, dù có tên trong danh sách hành nghề, hay đã bị xóa tên, đều phải thực hiện thi định kỳ (2 hoặc 3 năm/lần) để kiểm tra và nâng cao kiến thức.
“Tất nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm lớn có đông đại lý sẽ bị ảnh hưởng do chi phí đào tạo tăng lên đáng kể”, một chuyên gia trong ngành nhận định.
Ngoài ra, dù Nghị định 73 đã quy định rõ những những việc đại lý bảo hiểm không được làm, nhưng thực tế, việc lôi kéo đại lý hay khách hàng vẫn xảy ra.
Chính vì vậy, ngoài quy định kể trên, cần phải có những chế tài thật nghiêm khắc cho các hành vi này. Và về lâu dài, để đảm bảo doanh nghiệp bảo hiểm có được một đội ngũ đại lý thực sự chuyên nghiệp hiện đại, tâm huyết, yêu nghề và mong muốn gắn bó dài lâu, thì những quy định có phần khắt khe như vậy rất cần được tính đến.
Những điều cần lưu ý khi làm việc với đại lý
Có một thực tế là lực lượng đại lý tuy phát triển mạnh về số lượng, nhưng tính chuyên nghiệp của một bộ phận đại lý bảo hiểm chưa cao. Vì thế, khách hàng nên “chọn mặt gửi vàng”. Hãy đánh giá đại lý dựa trên mức độ chuyên nghiệp khi tư vấn, khách hàng không nên tin và nghe theo họ dễ dàng chỉ vì vẻ bề ngoài, hoặc địa vị của họ trong xã hội hay cộng đồng. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Không có gì là miễn phí cả”, nên khách hàng cần cân nhắc kỹ trước những dấu hiệu “bất thường” sau đây:
Khuyến mại hấp dẫn? Khách hàng cần cảnh giác và cẩn thận tìm hiểu kỹ thông tin khi được đại lý thông báo về những chương trình khuyến mại với những giải thưởng lớn như nhà, xe, hoặc “biếu không” một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT), hay một khoản lãi lớn bất thường từ hợp đồng BHNT. Các công ty BHNT luôn luôn thận trọng và không bao giờ hứa hẹn những khoản lãi lớn, những lợi ích khuyến mại bất thường.
Các công ty BHNT khi có các chương trình khuyến mại sẽ phải đăng ký, hoặc nộp thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, muốn biết công ty có chương trình khuyến mại nào đó hay không, bạn nên liên hệ trực tiếp với công ty để tìm hiểu về chương trình khuyến mại trước khi quyết định.
Thủ tục đơn giản bất ngờ, thậm chí không cần ký vào hợp đồng bảo hiểm? Những dễ dãi bất thường trong thủ tục khi làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cũng là dấu hiệu đáng ngờ mà bạn cần đặc biệt cảnh giác, vì có thể bạn đang làm việc với một đại lý không đủ tiêu chuẩn nghề nghiệp hay đạo đức. Bạn phải tự mình kê khai thông tin sức khỏe một cách trung thực và tuyệt đối không để người khác ký thay mình trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Đây là điều quan trọng để bảo vệ quyền lợi của mình, tránh bị công ty bảo hiểm từ chối giải quyết quyền lợi bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Tiếp tục hợp đồng của người khác cho đỡ tốn phí? Việc chuyển nhượng hợp đồng như vậy thực tế không thể xảy ra. Theo quy định của pháp luật, Người được bảo hiểm phải có mối quan hệ được bảo hiểm (vợ, chồng, con, cha mẹ, anh em ruột…) với Bên mua bảo hiểm. Vì vậy, nếu bạn không có mối quan hệ này với Người được bảo hiểm thì bạn không thể thực hiện được thủ tục chuyển nhượng hợp đồng…
theo tinnhanhchungkhoan.vn