Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc đạt 81,7% dân số, vượt 2,7% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Thông tin này được Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Minh Thảo thông tin tại Hội nghị cải cách hành chính và triển khai nhiệm vụ năm 2017, ngày 3-1.
Theo ông Nguyễn Minh Thảo, đến ngày 31-12, số người tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là 76,1 triệu người, đạt 101,5% kế hoạch giao (tăng 5,9 triệu người so với năm 2015). Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 12,9 triệu người, bảo hiểm thất nghiệp là 11,1 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 203.000 người và tham gia BHYT là 75,9 triệu người.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tích thu được, ngành Bảo hiểm vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đơn cử như việc hướng dẫn thực hiện một số chế độ theo quy định pháp luật của các cơ quan chức năng còn chưa đầy đủ hoặc chưa kịp thời dẫn đến cơ quan bảo hiểm xã hội lúng túng trong tổ chức thực hiện, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT bị ảnh hưởng, nhất là người lao động làm việc tại các đơn vị đang nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, đơn vị đang trong quá trình làm thủ tục phá sản, giải thể hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn,….
Bên cạnh đó, năm 2016 dù số nợ có giảm so với năm trước nhưng vẫn cao, chưa khắc phục được những tồn tại như nợ không còn khả năng thu hồi, nợ tại các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn; nhiều doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, tìm cách trốn đóng, đóng không đầy đủ; việc phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ.
Ngoài ra, việc khởi kiện đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT của tổ chức công đoàn còn vướng mắc; một số địa phương chưa kịp thời chuyển nộp phần kinh phí ngân sách đóng, hỗ trợ đóng BHYT, BHTN và chưa kiên quyết trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BHXH, BHYT do khuyến khích đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại địa phương;…
Tình trạng trục lợi quỹ BHYT chưa được khắc phục triệt để, nhất là việc các cơ sở khám chữa bệnh lợi dụng các chính sách mở rộng quyền lợi người bệnh. Tiến độ triển khai ứng dụng nghệ thông tin trong lĩnh vực BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ còn chậm hoặc chưa đúng theo yêu cầu kỹ thuật.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, theo Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh thời gian tới cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, xây dựng và hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thực hiện liên thông dữ liệu với cơ sở khám chữa bệnh; phấn đấu hoàn thành việc tin học hóa các hoạt động của Ngành theo đúng lộ trình, nhất là các hoạt động liên quan đến phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao.
theo baohaiquan.vn