Chiều 20-12, Cổng Thông tin điện tử TP Đà Nẵng phối hợp với Sở Y tế TP và Bảo hiểm xã hội TP tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với chủ đề “Chính sách bảo hiểm, bảo hiểm y tế” nhằm giải đáp những thắc mắc về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014; Luật sửa đổ, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT); chế độ BHXH năm 2016, chi trả BHYT, tham gia BHYT, những vướng mắc khi khám chữa bệnh BHYT, chuyển tuyến điều trị…
Các cơ sở y tế tư nhân đã có sự phát triển đáng kể
Hiện nay trên địa bàn thành phố có bao nhiêu bệnh viện tư nhân đủ điều kiện tham gia khám chữa bệnh (KCB) BHYT và chất lượng của các cơ sở tư nhân như thế nào? Trả lời câu hỏi trên của nhiều người dân, Bs Nguyễn Tiên Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết: Hiện nay, trên địa bàn TP có 6/7 bệnh viện (BV) tư nhân tham gia KCB BHYT (hiện BV Nguyễn Văn Thái không hoạt động). Trong những năm qua, hoạt động KCB BHYT tại các cơ sở y tế tư nhân đã có sự phát triển đáng kể, góp phần vào giảm sự quá tải của BV.
Quan điểm của Bộ Y tế và Sở Y tế Đà Nẵng luôn công bằng và không phân biệt hệ thống công hay tư, tạo điều kiện để các đơn vị hoạt động KCB cho nhân dân. Có thể thấy, những năm qua các cơ sở y tế tư nhân đã có nhiều đổi mới, nhiều BV được nâng cấp, xây dựng mới và đi vào hoạt động, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng BV. Hiện tại có 5/7 bệnh viện xếp tương đương BV hạng 2 khối công lập, 1 BV xếp hạng 3 (BV Vĩnh Toàn), 1 BV không xếp hạng (BV Nguyễn Văn Thái). Trong quá trình KCB, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật về KCB, công khai, minh bạch với người bệnh về mức thu dịch vụ y tế, chi phí chênh lệch người bệnh phải nộp khi sử dụng các dịch vụ tại BV, tính toán mức giá để thu của người bệnh BHYT số tiền chênh lệch ở mức độ hợp lý.
Chị Lê Thị Xuyến phản ánh: Mẹ tôi đăng ký khám bệnh ban đầu tại BV đa khoa Quảng Nam, nhưng giờ về Đà Nẵng sinh sống với con, mẹ tôi đi khám tại BV Đà Nẵng có được hưởng BHYT không? Trả lời câu hỏi này, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, trường hợp mẹ của chị Xuyến đăng ký KCB ban đầu tại BV đa khoa Quảng Nam, nay chuyển đến Đà Nẵng sống cùng với con, nhưng muốn được hưởng quyền lợi BHYT khi đi KCB tại BV Đà Nẵng thì cần xuất trình thẻ BHYT, giấy xác nhận tạm trú tại Đà Nẵng để được hưởng quyền lợi KCB đúng tuyến. Trong trường hợp cấp cứu thì mẹ chị Xuyến có thể đến bất kỳ cơ sở KCB nào tại Đà Nẵng mà vẫn được hưởng quyền lợi của người có thẻ BHYT và được coi là KCB đúng tuyến, mẹ chị chỉ cần xuất trình thẻ BHYT (còn hạn sử dụng) và giấy tờ tùy thân hợp pháp khác.
Anh Vũ Quang Hải thắc mắc: Tôi đăng ký thẻ BHYT ban đầu tại BV Đà Nẵng, nhưng nhà ở gần TTYT Q. Ngũ Hành Sơn. Vậy tôi đến khám tại TTYT Q. Ngũ Hành Sơn thì có được hưởng đủ quyền lợi của thẻ BHYT không? Về vấn đề này, Sở Y tế TP cho rằng, kể từ ngày 1-1-2016, thông tuyến quận/huyện, người tham gia BHYT có thể KCB tại các TTYT quận/huyện vẫn được coi là đúng tuyến, ngược lại các bệnh nhân đã đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các BV tuyến tỉnh đến KCB tại các BV tuyến huyện thì vẫn được coi là đúng tuyến và được hưởng quyền lợi ghi trên thẻ BHYT.
Lãnh đạo Sở Y tế TP và BHXH TP Đà Nẵng giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp và người dân tại chương trình đối thoại. |
Người lao động có quyền chọn nơi đăng ký KCB BHYT
Anh Trần Lê đặt câu hỏi: Tôi được công ty đóng BHXH, muốn đăng kí nơi KCB ban đầu là Bệnh viện H. Phước Sơn (Quảng Nam) cho thuận tiện vì quê của tôi ở đây, và tôi cũng hay đi công tác tại đây, có được không? Ông Lê Anh Nhân – Phó Giám đốc BHXH TP cho biết, Điều 26 Luật BHYT số 25/2008/QH12 của Quốc hội ngày 14/11/2008 quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT quy định: “Người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trường hợp người tham gia BHYT phải làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và nơi người đó đang làm việc lưu động, tạm trú theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế”. Như vậy, theo quy định nêu trên của Luật BHYT thì trường hợp của anh Lê làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác thì anh có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương.
Chị Nguyễn Thị Lệ cũng đã thắc mắc: Tôi là lao động nữ, sinh ngày 17-10-1961, có thời gian đã đóng BHXH 14 năm 3 tháng, còn thiếu 5 năm 9 tháng mới đủ 20 năm đóng BHXH. Tôi lựa chọn phương thức đóng một lần cho 5 năm 9 tháng còn thiếu cho đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Xin BHXH hướng dẫn tôi thực hiện và thời điểm nào tôi được hưởng lương hưu.
Về vấn đề này, BHXH TP cho biết, tại Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 01/2016/TT-LĐTBXH ngày 18/2/2016 về Phương thức đóng BHXH tự nguyện quy định: Đối với người tham gia BHXH tự nguyện đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), được lựa chọn phương thức đóng một lần cho đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu”. Đối chiếu quy định nêu trên, thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu đối với chị Lệ là tháng 11-2016. Vì vậy, tháng 11-2016 là thời điểm sớm nhất chị có thể đóng một lần cho đủ 20 năm để nghỉ hưu và nếu thực hiện đóng đủ BHXH cho thời gian còn thiếu vào tháng 11-2016 thì thời điểm hưởng lương hưu của chị Lệ được tính từ 1-12-2016. Để thực hiện việc đóng BHXH một lần nêu trên, chị liên hệ với Bưu điện TP Đà Nẵng hoặc các Bưu cục trực thuộc để làm thủ tục đóng tiền và nộp hồ sơ tại BHXH quận, huyện để giải quyết hưởng lương hưu.
theo cand.com.vn