Hội nghị báo cáo viên các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc

Ngày 04/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Trong Chương trình Hội nghị, các báo cáo viên sẽ được thông tin một số nội dung quan trọng trong lĩnh vực BHXH, hoạt động đối ngoại và kết quả nổi bật của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng.

plSon 041116.jpg
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn biết, tính đến hết tháng 10/2016, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ước đạt 74,6 triệu người. Trong đó, tham gia BHXH bắt buộc 12,7 triệu người; tham gia BH thất nghiệp 10,9 triệu người; tham gia BHXH tự nguyện 200 nghìn người; tham gia BHYT 74,4 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 79,8% dân số cả nước. Số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp 10 tháng đầu năm 2016 ước 194 nghìn tỷ đồng, đạt 76,5% so với kế hoạch năm; chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 192 nghìn tỷ đồng. Toàn ngành BHXH ước giải quyết chế độ BHXH cho 7,5 triệu lượt người, tăng 600 nghìn lượt người (8,6%) so với cùng kỳ năm 2015; Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT cho 115 triệu lượt người, tăng 9 triệu lượt người (8,5%) so với cùng kỳ năm 2015.

Trong những tháng đầu năm 2016, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được toàn Ngành tập trung thực hiện, trong đó BHXH các tỉnh, thành phố đã bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, tích cực, chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; một số địa phương đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016- 2020, đồng thời đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp với bưu điện, ngân hàng cung cấp các dịch vụ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong đăng ký tham gia và thu nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…

Tuy nhiên, tỷ lệ người tham gia BHXH ở Việt Nam còn thấp và thiếu tính bền vững. Cụ thể, tỷ lệ người tham gia BHYT hiện nay chủ yếu nằm ở khu vực khó khăn, ở các hộ nghèo và cận nghèo với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc thấp là thách thức vô cùng lớn đối với ngành BHXH. Đặc biệt, tình trạng nợ BHXH hiện nay đang rất đáng báo động với 103.000 đơn vị nợ 14.257 tỷ đồng. Nhiều DN kinh doanh có lãi không đóng và chiếm dụng tiền đóng của người lao động vào mục đích khác. Điều này làm cho 2,66 triệu lao động bị ảnh hưởng quyền lợi. Số nợ năm 2016 tăng nhanh một phần do BHXH không được khởi kiện các đơn vị nợ BHXH. Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đưa dẫn chứng, trước 2016, ngành BHXH đã tiến hành khởi kiện 8.840 vụ, (6000 tỷ đồng); Tòa án các cấp đã xét xử: 3.986 vụ, thu về quỹ 980 tỷ đồng. Đến năm 2016, cơ quan BHXH không được trực tiếp khởi kiện với 1.400 hồ sơ bị trả lại.

BTG 041116.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh, nhiệm vụ năm 2016 của ngành BHXH còn rất nặng nề. Toàn ngành đang tập trung cao độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam đang tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường về công tác thu BHXH, BHYT; cần có biện pháp tích cực hơn nữa đối với việc điều tra, khảo sát số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT theo Luật, đôn đốc và thu hồi nợ BHXH, BHYT. BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế thực hiện tốt quy chế phối hợp đã được ký kết. Cơ quan Thuế kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan BHXH về số người, địa điểm của đơn vị ngay từ khi hiện đăng ký kinh doanh để cơ quan BHXH kịp thời đôn đốc đơn vị tham gia BHXH.

Ngành BHXH đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động rộng rãi trong nhân dân về chính sách BHYT, làm chuyển biến và nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật về BHYT trên các phương diện; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận người tham gia, nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, đài báo,… nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHXH, BHYT và tự giác tham gia; Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; bám sát chương trình công tác trong năm 2016 và chỉ đạo của Lãnh đạo ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để triển khai công việc theo đúng định hướng và hoàn thành đúng tiến độ.

BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để chủ động triển khai các giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Vệ sinh an toàn lao động, Luật Dược đảm bảo kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia; đồng thời phối hợp tổ chức đánh giá tình hình triển khai Quyết định số 1167/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 – 2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng kiến nghị các cơ quan liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để thu hút người dân tham gia một cách tự nguyện.

Phó Tổng Giám đốc mong muốn, thông qua các thông tin đã được cung cấp tại Hội nghị, trên cương vị công tác của mình tiếp tục giúp đỡ ngành BHXH thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương mình, góp phần vào sự nghiệp phát triển an sinh xã hội chung của đất nước.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohiemxahoi.gov.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.