Trong thời gian tới, BHXH VN sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trong đó tập trung xây dựng mô hình chính phủ điện tử ngành BHXH, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ và vận hành tốt hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT. Khi ngành BHXH hoàn thiện hệ thống CNTT một cách đầy đủ, thì NLĐ sẽ theo dõi, kiểm soát được tiền đóng BHXH của mình, kể cả tiền gốc đóng, tiền tăng trưởng do đầu quỹ tạo ra.
Năm 2017 thực hiện quản lý dữ liệu tập trung
Theo ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, để quản lý các quỹ BHYT, BHXH hiệu quả, BHXH VN đã cơ bản hoàn thành việc kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Đã có 99,5% cơ sở KCB tại 63 tỉnh, thành phố kết nối thành công vào Cổng thông tin giám định BHYT điện tử. Chỉ còn 66 trạm y tế xã, tại 11 tỉnh chưa kết nối được, do không có điện lưới và Internet. Số trạm y tế xã này sẽ thực hiện chuyển hồ sơ qua trung tâm y tế huyện để nhập dữ liệu. Hiện cơ quan BHXH đang tích cực phối hợp với các cơ sở KCB BHYT để chuẩn hóa danh mục thanh toán BHYT. Thực hiện liên thông dữ liệu KCB thông qua Cổng thông tin giám định BHYT trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Tiếp tục hoàn thiện phần mềm giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT thông qua việc triển khai thí điểm trên địa bàn Hà Nội, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành để vận hành, sử dụng hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, từ năm 2017, BHXH VN sẽ thực hiện quản lý dữ liệu tập trung và giám định điện tử. Đây được coi sẽ là công cụ hữu hiệu trong quản lý chi phí KCB.
Và để giải đáp thắc mắc của người dân, BHXH VN đang chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng các chuyên mục hỏi đáp, giải thích những vướng mắc của người dân trên trang web của BHXH tỉnh theo hình thức trực tuyến. Trong kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016 – 2020, BHXH VN xác định việc sử dụng dịch vụ trả lời người dân dạng như Tổng đài 1080 để hướng dẫn người dân, tổ chức là một việc làm hết sức cần thiết và có hiệu quả. Trong thời gian sớm nhất, ngành sẽ xây dựng trung tâm tư vấn, giải đáp và dịch vụ khách hàng trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam để phục vụ cá nhân và tổ chức kịp thời, hiệu quả hơn.
Tập trung cải cách hành chính
Việc BHXH VN triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu người tham gia BHYT có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác cải cách TTHC. Hệ thống cơ sở dữ liệu người tham gia BHYT là tiền đề cho việc cấp số định danh BHXH, là cơ sở giúp quản lý đối tượng tham gia và hưởng chính sách BHXH, BHYT thống nhất, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc; giảm thiểu tình trạng cấp trùng thẻ BHYT cũng như giảm thời gian, thủ tục đổi thẻ BHYT, xác nhận thời gian tham gia 5 năm liên tục…
Ông Phạm Lương Sơn cho biết, hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ giúp người tham gia BHYT làm thủ tục kê khai đơn giản, dễ thực hiện; thông tin về người tham gia BHYT được đưa vào hệ thống dữ liệu của ngành BHXH, khi có thay đổi về nhóm đối tượng chỉ cần khai bổ sung, cơ quan BHXH sẽ kịp thời cập nhật các thay đổi và xác định quyền lợi hưởng tương ứng. Khi đi KCB BHYT không cần phải mang theo giấy tờ nhân thân để chứng minh mà chỉ cần cung cấp số định danh của mình. Không phải chứng minh, lấy xác nhận về thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục vì hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ tự động xác định thời gian tham gia…
Còn đối với cơ quan quản lý, khi hình thành được cơ sở dữ liệu tập trung, liên thông trong toàn quốc về thông tin người tham gia BHYT, chấm dứt tình trạng cát cứ thông tin giữa các huyện trong một tỉnh và giữa các tỉnh với nhau; kết nối với “phần mềm quản lý các hoạt động nghiệp vụ ngành BHXH Việt Nam”. Tránh được tình trạng cấp trùng thẻ và giúp phân nhóm đối tượng, quyền lợi hưởng được chính xác.
Dữ liệu người tham gia BHYT khi kết nối liên thông với hệ thống thông tin giám định KCB BHYT sẽ giúp cho cơ quan BHXH xác định về tình trạng tham gia BHYT của đối tượng, quyền lợi được hưởng và lịch sử KCB của cá nhân; dữ liệu người tham gia BHYT góp phần cung cấp dữ liệu ban đầu để xây dựng hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình. Đặc biệt, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư triển khai xong, BHXH Việt Nam sẽ đảm bảo việc kết nối với cơ sở dữ liệu này để thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.
Đặc biệt, trong thời gian tới, BHXH sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trong đó tập trung xây dựng mô hình chính phủ điện tử ngành BHXH, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ và vận hành tốt hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT. Xây dựng kịp thời các văn bản hướng dẫn hồ sơ, quy trình giao dịch điện tử đối với các TTHC để sẵn sàng tổ chức thực hiện nghị định giao dịch điện tử khi được Chính phủ ban hành. “Tới đây, khi ngành BHXH hoàn thiện hệ thống CNTT một cách đầy đủ, thì NLĐ sẽ theo dõi, kiểm soát được tiền đóng BHXH của mình, kể cả tiền gốc đóng, tiền tăng trưởng do đầu quỹ tạo ra” – ông Sơn khẳng định.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo laodong.com.vn)