Trả lời phóng viên báo NTNN về giải pháp thực hiện khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), ông Lê Đình Quảng – Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, đó là thách thức mới của công đoàn các cấp.
Theo đánh giá của công đoàn, tình hình nợ đọng BHXH hiện nay như thế nào, thưa ông?
– Tính đến tháng 6.2016, số người tham gia BHXH là trên 12,5 triệu (chiếm khoảng 23% lực lượng lao động). Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH vẫn đang diễn ra khá phổ biến và ngày càng phức tạp. Tính đến hết quý II/2016 có tới trên 100.000 đơn vị nợ BHXH với số tiền nợ lên đến trên 14.000 tỷ đồng, làm ảnh hưởng quyền lợi của hơn 2,5 triệu người lao động tham gia BHXH.
Doanh nghiệp nợ đọng BHXH làm ảnh hưởng tới cuộc sống của công nhân, lao động (ảnh minh họa, chụp tại khu Công Nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội).
Ngày 1.1.2016 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được trao quyền khởi kiện ra tòa với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Cũng từ thời điểm đó tới giờ tòa án nhân dân các cấp không thụ lý các đơn khởi kiện của BHXH. |
Để góp phần giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã khởi kiện 8.840 vụ với số tiền doanh nghiệp nợ gần 6.000 tỷ đồng, thu về gần 1.000 tỷ đồng cho Quỹ BHXH.
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cho biết, sau đó Tòa án nhân dân Tối cao có Công văn số 105 ngày 14.4.2016 chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH, đồng thời trả hồ sơ những vụ án đã thụ lý (1.400 hồ sơ, tương ứng với số tiền nợ gần 300 tỷ đồng). Chính vì vậy, công đoàn đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị để sẵn sàng vào cuộc thay BHXH thực hiện nhiệm vụ khởi kiện các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Theo ông, khi công đoàn tiếp nhận nhiệm vụ khởi kiện các đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH thì khó khăn lớn nhất là gì?
– Khó khăn của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện khởi kiện hành vi vi phạm BHXH để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là vấn đề nguồn lực về con người và kinh phí. Cán bộ công đoàn tiến hành khởi kiện còn thiếu về số lượng, thiếu sự cọ xát thực tế, hạn chế về kinh nghiệm và kỹ năng tham gia tố tụng. Trong quá trình khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự, công đoàn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu nhập tài liệu, chứng cứ. Bên cạnh đó, sự khó khăn về kinh phí cho hoạt động khởi kiện và tham gia tố tụng là những thách thức không nhỏ đối với tổ chức công đoàn trong hoạt động khởi kiện.
Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức các hội nghị, các khóa tập huấn để trang bị cho cán bộ công đoàn các cấp về kỹ năng, phương pháp tham gia khởi kiện, tham gia tố tụng tại tòa án. Vừa qua, công đoàn cũng đã xây dựng và ban hành Văn bản số 995/HD-TLĐ hướng dẫn công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp tập thể nói chung, khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH nói riêng.
Thời gian tới, việc khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật về vấn đề BHXH sẽ được công đoàn thực hiện thế nào, thưa ông?
– Sau bước tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về BHXH, chúng tôi sẽ tiến hành khởi kiện điểm tại một số tỉnh, thành phố. Về nguyên tắc công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên đều có quyền khởi kiện. Tuy nhiên, công đoàn cơ sở còn thiếu nguồn lực, bản thân họ cũng chịu nhiều áp lực, rất khó để đứng ra khởi kiện ông chủ.
Trong khi đó, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng chỉ có 3 – 4 người, lại rất ít cán bộ có trình độ chuyên môn về pháp luật nên để họ đứng ra khởi kiện cũng có nhiều bất cập. Bản thân BHXH cũng từng theo đuổi các vụ kiện về vấn đề BHXH, cũng thấy rằng đây là vấn đề không đơn giản, không phải làm một sớm một chiều. Chính vì thế, trước mắt Tổng Liên đoàn đang giao Liên đoàn Lao động cấp tỉnh khởi kiện điểm trước, sau này nếu công đoàn cơ sở, công đoàn cấp huyện có đủ năng lực, Tổng liên đoàn sẽ tính toán và giao cho họ tiến hành khởi kiện.
Đây là công việc mới mẻ, là trách nhiệm cần phải thực hiện khẩn trương và quyết liệt của tổ chức công đoàn, vì vậy quan điểm của chúng tôi là vừa làm vừa rút kinh nghiệm để công việc này ngày một tốt hơn, góp phần bảo vệ hữu hiệu quyền và lợi ích hợp pháp của người lao đông, đoàn viên công đoàn.
Xin cảm ơn ông!
Răn đe, nhắc nhở các chủ sử dụng lao động
Sau một vài vụ BHXH kiện doanh nghiệp về việc vi phạm pháp luật về BHXH, các doanh nghiệp cũng đã tự giác chủ động để hoàn trả những khoản nợ BHXH. Chúng tôi không mong muốn khởi kiện, nhưng việc khởi kiện sẽ góp phần răn đe, nhắc nhở để chủ sử dụng lao động biết thực hiện trách nhiệm của mình. Việc phối hợp hai bên, đặc biệt BHXH sẽ cung cấp hỗ trợ thông tin, tài liệu để các cấp công đoàn khởi kiện. Không chỉ vậy, việc hợp tác còn hướng đến mục tiêu chung là tăng người tham gia BHXH, BHYT, bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích người lao động, hạn chế hành vi vi phạm về BHXH. Bà Nguyễn Thị Minh – Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Khởi kiện là biện pháp duy nhất đòi tiền nợ BHXH
Năm 2015 có 1.905 BHXH các cấp kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa với tổng số nợ quỹ BHXH lên tới trên 530 tỷ đồng. Tổng số tiền thu hồi được trên 198 tỷ đồng (đạt 37,42%). Số còn lại sẽ tiếp tục thu hồi vào năm 2016 khi đã hoàn tất quá trình xét xử và thi hành án. Trong tháng 1 và 2.2016, BHXH TP. Hồ Chí Minh đã khởi kiện ra tòa 60 đơn vị nợ tiền BHXH. Đến thời điểm này, khởi kiện vẫn là biện pháp có hiệu quả duy nhất để đòi lại tiền doanh nghiệp nợ đọng BHXH. Ông Cao Văn Sang – Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh Tăng chế tài xử lý
Đồng Nai là tỉnh có đông doanh nghiệp, do tình hình nợ BHXH quá nhiều nên đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người lao động cũng như vấn đề đảm bảo an ninh xã hội. Thời gian qua, việc “đòi nợ” doanh nghiệp rất khó bởi các doanh nghiệp cố tình lẩn tránh. Biện pháp cuối cùng là kiện ra tòa để doanh nghiệp buộc thực hiện trả nợ BHXH theo phán quyết của tòa án, song nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình không trả nợ BHXH. Do đó, theo tôi cần thiết phải có một chế tài nghiêm ngặt hơn. Ông Phan Văn Mến – Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai |
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo danviet.vn)