ừ ngày 1/1/2017, Bộ Y tế sẽ điều chính tăng giá dịch vụ y tế ngoài bảo hiểm y tế chi trả (đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế) và khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Phóng viên: Thưa Vụ trưởng, Dự thảo mới về giá dịch vụ khám chữa bệnh ngoài bảo hiểm y tế chi trả có gì khác so với giá dịch vụ hiện hành?
Vụ trưởng Nguyễn Nam Liên: Giá dịch vụ ngoài bảo hiểm y tế chi trả trong dự thảo lần này khác với giá dịch vụ ngoài bảo hiểm y tế hiện nay là có tính tiền lương, phụ cấp để thực hiện dịch vụ vào giá; mức giá tối đa bằng mức giá của các dịch vụ do bảo hiểm y tế thanh toán. Tuy nhiên vẫn chưa tính chi phí sửa chữa lớn, khấu hao, đào tạo, nghiên cứu khao học. Việc này sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ bảo hiểm y tế, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, thực hiện chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân.
Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Quảng Ninh. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Hiện nay giá dịch vụ khám chữa bệnh của người không có thẻ bảo hiểm y tế vẫn thực hiện theo quy dịnh tại Thông tư Liên tịch số 03/2006/TTLT/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH của Bộ Y tế – Bộ Tài chính và Bộ Lao động Thương binh xã hội (mức giá quy định tại Thông tư này chưa tính đủ các chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ); Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính (mức giá quy định tại Thông tư này mới chỉ bao gồm chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ, chưa tính tiền lương, phụ cấp, chi phí sửa chữa lớn; khấu hao nhà cửa, trang thiết bị và đào tạo, nghiên cứu khoa học).
Việc điều chỉnh giá dịch vụ ngoài bảo hiểm y tế lần này là thực hiện quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ; cụ thể: năm 2016, giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.
Phóng viên: Vậy danh mục dự thảo điều chỉnh giá dịch vụ y tế có được áp dụng theo lộ trình hay không? Cách tính này đã bao gồm bao nhiêu yếu tố, thưa Vụ trưởng?
Vụ trưởng Nguyễn Nam Liên: Dự thảo Thông tư cũng đã chia lộ trình điều chỉnh giá thành 2 bước như sau:
Bước 1: Mức giá bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù dự kiến thực hiện từ ngày 1/1/2017
Bước 2: Mức giá bao gồm các chi phí tại bước 1 nêu trên và chi phí tiền lương dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2017
Tuy nhiên, Thông tư chỉ quy định giá tối đa theo các mức trên, còn mức giá cụ thể và thời điểm áp dụng theo quy định của Luật giá và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Bộ Y tế quy định đối với các bệnh viện thuộc Trung ương quản lý, do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với các đơn vị thuộc địa phương quản lý.
Tùy theo cách phân loại chi phí, theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ thì Giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ bao gồm 7 yếu tố chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; khấu hao nhà cửa, khấu hao trang thiết bị; chi phí quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Theo cách phân loại chi phí tại Nghị định 85 thì giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ bao gồm 4 yếu tố chưa tính là: khấu hao nhà cửa; khấu hao trang thiết bị; chi phí quản lý; đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Phóng viên: Bộ Y tế sẽ điều chỉnh tăng giá dịch vụ ngoài bảo hiểm y tế chi trả từ ngày 1/1/2017. Theo ông, giải pháp cụ thể nào sẽ giúp người bệnh chưa có bảo hiểm y tế bớt gánh nặng?
Vụ trưởng Nguyễn Nam Liên: Chủ trương của Đảng, Nhà nước là thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, tức là mọi người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế và khi đi khám chữa bệnh, phần lớn chi phí sẽ do bảo hiểm y tế chi trả. Những đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi…. nhà nước sẽ hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí để mua thẻ bảo hiểm y tế, các đối tượng còn lại phải tự tham gia bảo hiểm y tế.
Hiện nay đã có gần 80% dân số có thẻ bảo hiểm y tế, chỉ còn 20% chưa tham gia; trong đó phần lớn là người có mức sống trung bình trở lên. Để giảm bớt gánh nặng cho đối tượng này thì giải pháp quan trọng nhất là phải tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách đang cấp tiền lương cho các bệnh viện hiện nay để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế, nâng mức hỗ trợ cho người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để họ tham gia bảo hiểm y tế (hiện nay đang hỗ trợ tối thiểu 30%). Mặt khác Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh phải bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo của tỉnh; chỉ đạo các bệnh viện sử dụng một phần chênh lệch thu chi để lập Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh để hỗ trợ các trường hợp có khó khăn trong chi trả viện phí.
Bộ Y tế đã chỉ đạo và toàn hệ thống bệnh viện đã nỗ lực để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Cụ thể: Ngoài đầu tư của nhà nước từ Ngân sách, trái phiếu Chính phủ, các bệnh viện sử dụng một phần tiền khám bệnh, ngày giường (15%); nhiều bệnh viện đã vay vốn, huy động vốn, sử sụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để mua thêm giường, ghế, cải tạo, sửa chữa phòng khám khang trang hơn, các buồng bệnh đã có sự thay đổi cơ bản phần nào đáp ứng nhu cầu của người bệnh.
Ngành y tế đã tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới, thực hiện các dự án bệnh viện vệ tinh (đến nay hầu hết các tỉnh đều có bệnh viện là bệnh viện vệ tinh của cácbệnh viện Trung ương); luân phiên cán bộ xuống tuyến dưới, ban hành các quy định, quy trình chuyên môn, thực hiện đánh giá chất lượng bệnh viện bằng bộ tiêu chí mới với 83 tiêu chí. Các bệnh viện cũng đã thực hiện đổi mới phong cách, thái độ để làm vừa lòng người bệnh, triển khai các giải pháp để từng bước xây dựng các bệnh viện xanh – sạch – đẹp…