Bảo hiểm xe cơ giới, nghiệp vụ được đánh giá là chiếm tỷ trọng doanh thu lớn và có tốc độ tăng trưởng cao nhất, sẽ là nghiệp vụ được các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung đầu tư mạnh nhất, trong đó chủ yếu là chất lượng dịch vụ để thu hút nhiều hơn khách hàng, qua đó cải thiện thị phần.
Nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe cũng được dự báo sẽ “nóng” lên vào dịp cuối năm, nhất là khi mùa bảo hiểm học sinh và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe đang tới gần. Đáng chú ý, cạnh tranh trong phân khúc bảo hiểm bệnh hiểm nghèo hứa hẹn sẽ rất gay cấn khi các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ như Bảo Việt và PTI đã chính thức đưa sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo ra thị trường, mà cụ thể ở đây là các bệnh ung thư, đột quỵ, suy thận, nhồi máu cơ tim, liệt chi vĩnh viễn… Trước đó, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo vốn là “sân chơi” độc quyền của khối nhân thọ, với những tên tuổi như Prudential, Manulife, AIA…
Bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe là hai sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí bảo hiểm. Vì vậy, nếu như Bảo Việt tiếp tục tập trung vào việc đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, phát huy tối đa lợi thế về uy tín cũng như kinh nghiệm, thì PTI lại đầu tư mạnh vào việc phát triển kênh phân phối và các sản phẩm mới. Hiện nay, PTI được biết đến như là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về bảo hiểm trực tuyến, với doanh thu dự kiến đạt 100 tỷ đồng vào cuối năm nay.
Trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nhóm trên vẫn đang “khuấy đảo” thị trường, thì những doanh nghiệp nhóm dưới lại khá yên ắng. Với chiến lược tập trung vào hiệu quả hoạt động, BIC sẽ tiếp tục thắt chặt nghiệp vụ bảo hiểm con người và sẽ không hạ phí bằng mọi giá để cạnh tranh đối với nghiệp vụ xe cơ giới. Chính vì vậy, mảng bán lẻ của BIC được đánh giá sẽ không có nhiều hoạt động sôi nổi như trước. Các sản phẩm bán lẻ sẽ vẫn được đẩy mạnh qua kênh bancassurance, kênh bán hàng mà BIC có những lợi thế nhất định. Trong đó, mảng khách hàng doanh nghiệp sẽ tiếp tục được BIC khai thác tối đa nhờ ưu thế của ngân hàng mẹ BIDV.
Tương tự, Liberty, một thương hiệu bảo hiểm khá nổi tiếng khác trong mảng bán lẻ về bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe… thời gian qua cũng khá “im hơi, lặng tiếng” Hãng bảo hiểm này đã thay đổi chiến lược kinh doanh, với mục tiêu là tập trung vào phát triển bền vững. Áp lực về lợi nhuận đối với Liberty là lớn, nhất là khi thời điểm được phép lỗ kỹ thuật đã hết. Chính vì vậy, vài năm qua, Liberty không còn đặt nặng mục tiêu tăng trưởng nhanh. Mảng bán lẻ, đặc biệt là phân khúc bảo hiểm xe cơ giới, phân khúc từng là “con át chủ bài” trong chiến lược phát triển thương hiệu của Liberty, cũng được siết chặt nhằm kiểm soát tỷ lệ bồi thường.
Một số chương trình thu hút khách hàng mới thuộc phân khúc bảo hiểm xe cơ giới vẫn được Liberty đưa ra thị trường, song chủ yếu là qua website và thanh toán trực tuyến. Dù tốc độ tăng trưởng đang chậm lại bởi cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng trong số các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, Liberty vẫn là hãng bảo hiểm được đánh giá cao nhờ có chiến lược đầu tư, phát triển bài bản và vững chắc.
Nằm trong nhóm doanh nghiệp có thị phần ở Top sau, song MIC cũng là nhân tố đáng chú ý của thị trường. Bởi hãng bảo hiểm này cũng có những lợi thế riêng về phân khúc sản phẩm và khách hàng và từ ngân hàng mẹ là Ngân hàng Quân đội (MB)…
Theo các chuyên gia trong ngành, dù không có nhiều hoạt động sôi nổi như những năm trước, nhưng đối với thị trường phi nhân thọ từ nay đến cuối năm, mảng bán lẻ vẫn là mảng có nhiều hoạt động đáng chú ý nhất. Trong đó, cùng với kênh phân phối trực tuyến, bancassurane sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư mạnh. Tuy nhiên, do doanh thu từ các kênh phân phối này vẫn chưa đạt được mức mong muốn của các doanh nghiệp, nên kỳ vọng vào mức tăng trưởng đột biến trong mảng bán lẻ trong thời gian tới là không cao.
theo tinnhanhchungkhoan.vn