Bảo hiểm nhân thọ có là “hàng hóa thiết yếu”?

Với mỗi loại hình bảo hiểm nhân thọ, DN sẽ phải đăng kí hợp đồng mẫu với cơ quan chức năng. Điều này mang lại lợi ích cho người lao động khi tránh được tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương soạn thảo hợp đồng và áp dụng quy định điều khoản chung chung, khó hiểu khiến khách hàng rơi vào thế yếu. Tuy nhiên, quy định này lại đang khiến nhiều DN gặp khó.

DN bảo hiểm nhân thọ gặp khó khi đăng kí hợp đồng mẫu. Ảnh: ST.

Vướng thủ tục hành chính

 
Các DN bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam gồm: Prudential, Bảo Việt Nhân thọ, Manulife, Dai-ichi, AIA, ACE, PVI Sunlife, Prévoir, Great Eastern, Hanwha, Generali, Vietinbank – Aviva, Vietcombank – Cardif, Cathay life, Fubon life, Phú Hưng life và BIDV Metlife.
 

Quyết định 35/2015/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định bảo hiểm nhân thọ là loại hình hàng hóa thiết yếu phải đăng ký hợp đồng giao dịch mẫu, điều kiện giao dịch chung. Trước quy định này, nhiều ý kiến cho rằng, định nghĩa “hàng hoá thiếu yếu” là không chính xác với bảo hiểm nhân thọ.Luật sư Lê Hưng (Văn phòng Luật sư The Light) cho rằng: “Theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt, thiết yếu là rất cần thiết, không thể thiếu được. Điều đó có nghĩa hàng hoá, dịch vụ thiết yếu là loại hàng hoá, dịch vụ cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống bình thường của đại đa số người tiêu dùng. Đối chiếu với thực tế, bảo hiểm nhân thọ hiện nay chưa thể quy vào loại hình này được bởi nó chưa phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Đây thuộc loại hàng hoá, dịch vụ mục đích nâng cao giá trị cuộc sống cá nhân, chỉ phù hợp với một số đối tượng nhất định có đầy đủ điều kiện vật chất. Bởi vậy đưa loại hình này vào danh mục hàng hoá thiết yếu là chưa chuẩn xác”.

Vướng mắc lớn nhất đối với DN bảo hiểm khi thực hiện quy định này đó chính là sự chồng chéo trong quản lý hoạt động kinh doanh. Theo đại diện một công ty bảo hiểm, nếu như trước đây, Bộ Tài chính là cơ quan cấp Bộ được giao quản lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì nay với Quyết định 35 lại bổ sung thêm nhiệm vụ giám sát riêng nội dung đăng ký hợp đồng mẫu bảo hiểm nhân thọ cho Bộ Công Thương. Điều này gây khó khăn cho DN khi phải tăng thêm thủ tục hành chính phải thực hiện với cả hai bộ ngành.

Theo quy trình, khi ra đời một sản phẩm bảo hiểm mới, DN trình và xin ý kiến Bộ Tài chính. Sau khi được Bộ này phê duyệt, DN sẽ phải tiếp tục xin ý kiến Bộ Công Thương. Nếu như Bộ Công Thương không phê duyệt và yêu cầu thay đổi một số nội dung thì DN sẽ lại phải sửa đổi theo và trình lại Bộ Tài chính để được phê chuẩn. Như vậy, để một sản phẩm mới được thông qua, quy trình mà DN phải thực hiện sẽ gồm khá nhiều bước, tốn khá nhiều thời gian.

“Chính việc phát sinh thủ tục hành chính sẽ khiến DN bảo hiểm khó khăn và chậm trễ trong việc tạo ra những sản phẩm bảo hiểm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân về bảo hiểm. Điều này hoàn toàn không phù hợp với tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ”, vị này cho hay. 

Một DN bảo hiểm cho biết, kể từ khi Quyết định 35 ra đời, DN tốn kém khá nhiều chi phí cho khâu nghiên cứu, soạn thảo và chi phí quy trình xét duyệt sản phẩm. Kéo theo đó, trong khoảng 1 năm trở lại đây, số sản phẩm dịch vụ bảo hiểm nhân thọ mới ra đời ít hẳn so với những năm trước. Điều này vừa gây ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của DN vừa ảnh hưởng tới khách hàng khi ít lựa chọn hơn.

Hiệp hội cần phát huy vai trò

Theo ông Nguyễn Việt Hải, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ngay sau khi Quyết định 35 có hiệu lực, dù còn nhiều khúc mắc nhưng các DN bảo hiểm nhân thọ đều chấp hành quy định đăng ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mẫu. Tuy nhiên, các DN vẫn sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị tới cấp có thẩm quyền, trong đó có Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính quốc gia để có một hướng dẫn chung giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trên cơ sở của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Bảo vệ người tiêu dùng vào nội dung phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Phần đông DN kỳ vọng rằng, cơ quan thẩm quyền sẽ tạo điều kiện tối đa cho DN bảo hiểm, tránh trường hợp các văn bản “vênh” nhau khiến DN gặp khó khi thực hiện.

Trước những khó khăn mà DN kinh doanh bảo hiểm nhân thọ đang gặp phải, Luật sư Lê Hưng cho rằng, để hạn chế được việc tốn thời gian, công sức, và chi phí mỗi khi có thêm quy tắc, thủ tục, DN cần đồng sức đồng lòng với nhau để phát huy vai trò của nhóm, hiệp hội. “Khi đăng ký một mẫu mới, một DN có thể gặp khó, nhưng khi hiệp hội đại diện DN đứng ra đăng ký hợp đồng mẫu sẽ đỡ tốn kém và ít nguy cơ dẫn đến tiêu cực hơn. Đây là lúc cần phát huy tính cộng đồng trong DN”.  

theo baohaiquan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.