Trung bình tổng chi phí phòng chống HIV/AIDS ở nước ta vào khoảng 1.500 tỷ đồng/ năm, chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ, hỗ trợ của các dự án quốc tế. Tuy nhiên, bước sang năm 2017, nguồn kinh phí hỗ trợ này sẽ bị cắt hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, BHYT chính là “phao cứu sinh” cho các bệnh nhân.
Ngay sau khi Bộ Y tế có Thông tư số 15 ngày 26/6/2015 Hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV, Nghệ An đã kịp thời ban hành các hệ thống văn bản, xây dựng hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh để điều trị cho người nhiễm.
Tính đến ngày 31/3, toàn tỉnh đã xây dựng 23 cơ sở chăm sóc điều trị HIV đặt tại 23 phòng, khoa khám bệnh của các bệnh viện của 21 huyện, thành, thị; chuyển hơn 5.000 bệnh nhân nhiễm HIV sang điều trị ở cơ sở mới thay vì điều trị tại 12 trung tâm y tế huyện, cơ sở ngoài công lập không có chức năng khám, chữa bệnh như trước đây.
Khám và tư vấn cho bệnh nhân nhiễm H ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. |
Chị Nguyễn Thị H.Y (huyện Con Cuông), đang điều trị ở phòng khám HIV, Bệnh viện Đa khoa Tây Nam cho hay: “Tôi nhiễm H từ chồng, gần 7 năm nay được điều trị bằng thuốc ARV và chăm sóc đầy đủ nên sức khỏe tốt. Với những bệnh nhân nhiễm HIV như tôi, thẻ BHYT là rất cần thiết. Thời gian qua, dù bệnh nhân nhiễm HIV không có thẻ vẫn được cung ứng đầy đủ thuốc ARV, song chi phí điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội, chi phí xét nghiệm sẽ không được hỗ trợ”.
Thực tế cho thấy, việc bố trí các bệnh nhân nhiễm H về khám, điều trị tại khoa khám bệnh của các bệnh viện đã là một biện pháp tốt để ngăn ngừa tình trạng phân biệt đối xử. Tương tự, thẻ BHYT của các bệnh nhân nhiễm H cũng không hề có sự phân biệt. Các đối tượng bệnh nhân HIV/AIDS là người dân tộc, thiểu số, cận nghèo… đều được hỗ trợ mức đóng đúng theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Trường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cho biết: “Hiện tại, số bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở của bệnh viện là 122 người, trong đó số người đã có thẻ chiếm 55%. Tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT đang tăng lên nhờ đẩy mạnh công tác tư vấn, người bệnh ý thức rõ việc đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe bản thân”.
Hiện nay, ngành Y tế Nghệ An đã thực hiện rà soát 1.183/3.455 bệnh nhân HIV đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ BHYT chiếm 56,55%. Tuy nhiên qua đánh giá chung, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm H có thẻ BHYT vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh (hơn 80%).
Nguyên nhân là nhiều bệnh nhân HIV (nằm ngoài diện ưu tiên) là người nghiện ma túy, không có sinh kế ổn định, bền vững… nên việc tiếp cận chính sách BHYT gặp khó khăn. Mặt khác, người chưa có thẻ phần đa là những đối tượng thường di dịch cư, vắng mặt ở địa phương vào thời điểm làm thẻ BHYT. Anh Nguyễn Văn A, ở huyện Anh Sơn cho biết: “Trước đây muốn lấy thuốc điều trị HIV thì xuống Vinh, và không cần khai báo địa chỉ cụ thể. Bây giờ về điều trị bằng thẻ BHYT tại địa phương thì đồng nghĩa tất cả thông tin về nhân thân, địa chỉ đều bị lộ. Nếu mọi người đều biết mình nhiễm HIV thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.
Thực tế cho thấy, sự lo ngại của anh Nguyễn Văn A và nhiều bệnh nhân khác là có cơ sở. Khi triển khai BHYT, bệnh nhân có thể phải chuyển sang khám, chữa bệnh ở bệnh viện và sẽ làm nảy sinh vấn đề bảo mật thông tin.
Khám và tư vấn cho bệnh nhi nhiễm H ở Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An |
Bác sĩ Trịnh Hùng Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết: “Sự kỳ thị HIV/AIDS không còn nặng nề như trước đây, song bản thân những bệnh nhân nhiễm H vẫn mang nặng nhiều mặc cảm. Để xóa đi sự lo ngại này, ngành Y tế Nghệ An đã quán triệt yêu cầu giữ bí mật, bảo mật thông tin cho bệnh nhân.
Các bệnh nhân hoàn toàn có thể an tâm vì đây là vấn đề y đức của các y, bác sĩ và các cơ sở y tế. Hơn thế nữa, bệnh nhân có thẻ BHYT có quyền lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu; hiện nay BHYT đã thông tuyến, người bệnh ở địa phương này có thể lựa chọn khám, chữa bệnh ở địa phương khác trong tỉnh…”.
Nếu bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS không có thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh phải tự chi trả các xét nghiệm công thức máu (thường quy 6 tháng/lần) và các xét nghiệm sinh hóa khác, tự chi trả tiền thuốc nhiễm trùng cơ hội – Từ thực tế này cho thấy, BHYT chính là chỗ dựa vững chắc cho việc điều trị, giảm nguy cơ lây nhiễm. Do đó, để đạt được mục tiêu Nghệ An là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước sớm giải quyết HIV/AIDS, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn về chi phí tham gia BHYT.
Theo baongheanh.vn