3/4 số người trong độ tuổi lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội

Tại Diễn đàn đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội mới do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB & XH) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 13/7 mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐTB & XH Phạm Minh Huân cho hay, hiện chỉ có khoảng 12,5 triệu người trong số 55 triệu người ở độ tuổi lao động có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Điều này cũng cho thấy 3/4 số người trong độ tuổi lao động hiện nay vẫn chưa được hưởng bất kỳ chế độ an sinh nào.

bh-1451814561009
3/4 số người trong độ tuổi lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội cần phải nhanh chóng được giảm thiểu để mọi đối tượng lao động đều được hưởng chế độ an sinh xã hội cơ bản – Ảnh minh họa

Đánh giá về Luật BHXH 2014, ông Trần Hải Nam – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH nhận định rằng, từ khi có hiệu lực, Luật BHXH cơ bản đáp ứng nhu cầu của người lao động, người sử dụng lao động và các bên liên quan. Trong đó, đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT; tăng mức trợ cấp ốm đau; mở rộng chế độ thai sản cho nam giới khi vợ sinh con; thay đổi tham số tính lương hưu theo hướng tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa; tăng tỉ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi…

Ông Huân cũng khẳng định, việc tổ chức thực hiện hệ thống bảo hiểm xã hội trong thời gian qua mặc dù đã có nhiều đổi mới, đã giải quyết được những vấn lớn hiện nay, đảm bảo cơ bản những nhu cầu của người lao động song trên thực tế vẫn chưa giải quyết được hầu hết những vấn đề của người hưởng thụ chính sách và doanh nghiệp hay nói cách khác là chưa đáp ứng được mong đợi của các đối tượng này.

Công tác triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về yêu cầu mở rộng đối tượng thụ hưởng, phạm vi áp dụng của BHXH, việc chuyển đổi tiền lương tháng đóng BHXH (bao gồm cả phụ cấp) làm tăng chi phí cho người sử dụng lao động đơn cử, thay đổi quyền và trách nhiệm, lợi ích của các bên tham gia, một số quy trình thủ tục và hồ sơ mới gây lúng túng cho người lao động và thậm chí là cả doanh nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp nói với tôi rằng nếu như có thêm một hệ thống bảo hiểm xã hội nữa thì chắc chắn họ sẽ chọn hệ thống khác. Cho nên công cuộc cải cách chính sách tốt là chưa đủ mà còn cần tổ chức thực hiện tốt”, ông Huân nhấn mạnh.

Tại hội thảo, bà Celine Peyron Bista – Chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của ILO cho rằng, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện diện bao phủ của bảo hiểm xã hội. Một trong những kết quả đạt được lớn nhất của Việt Nam là mở rộng diện bao phủ BHXH đối với lao động là người nước ngoài và đây cũng là xu hướng chung của các nước ASEAN. “Tuy nhiên, Việt Nam cần hướng đến công bằng trong tiếp cận BHXH cho tất cả mọi người dân, bình đẳng trong việc đóng- hưởng BHXH, cải cách các thông số liên quan đến tính bền vững của hệ thống hưu trí mà cụ thể là tuổi nghỉ hưu và tỷ lệ hưởng hằng năm”, Celine Peyron Bista tái khẳng định.

Bà Celine Peyron Bista cũng chia sẻ thêm, tốc độ già hóa dân số nhanh cũng đang là một thách thức với hệ thống BHXH. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ đạt 21 triệu người, điều này có nghĩa là tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi đối với thế hệ trong độ tuổi lao động vào năm 2030 sẽ vào khoảng 35,6%, tức là 1/3 dân số sẽ là người cao tuổi.

Trước đó, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa dân số với tốc độ cao chưa từng thấy. Đây là áp lực lớn đến sự phát triển kinh tế và cả đời sống xã hội của Việt Nam. Đến 2040, xã hội Việt Nam sẽ bước vào “kỷ nguyên” của sự già hóa.

Tỷ lệ người cao tuổi tại Việt Nam hiện đang ở mức 11% nhưng chỉ trong 10 năm nữa, lượng người cao tuổi Việt Nam sẽ chiếm 1/5 toàn dân số. Điều này có nghĩa lực lượng dân số trong độ tuổi lao động sẽ sụt giảm rất nhanh chóng và lượng người già cần có các chế độ bảo hiểm sẽ tăng lên. Chính những áp lực này đang tạo nên áp lực lớn cho hệ thống BHXH của Việt Nam và Việt Nam cần nhanh chóng tìm ra các hướng giải quyết để BHXH có thể đem lại lợi ích tối đa cho người dân.

Bàn về các biện pháp giải quyết, ông Trần Hải Nam khẳng định rằng, trong thời gian tới, cơ quan BHXH sẽ tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Trong năm 2016, sẽ bổ sung 2 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, chuyển sổ BHXH cho người lao động, doanh nghiệp không giữ lại 2% quỹ ốm đau và thai sản… Năm 2018, tiếp tục bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, thay đổi công thức tính lương hưu. Năm 2020, sổ BHXH sẽ được thay thế bằng thẻ BHXH; hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở.

Đồng thời, BHXH sẽ phải đưa công nghệ thông tin vào hệ thống, cải cách các thủ tục hành chính phải đơn giản hơn, chế độ đa dạng hơn để hệ thống BHXH hướng đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vụ BHXH sẽ tăng cường tham mưu với Bộ Tư pháp để có hướng dẫn rõ ràng, phù hợp, tránh áp dụng máy móc việc hình sự hóa tội danh trốn đóng BHXH, sẽ phân biệt rõ rằng mức độ của từng doanh nghiệp: cố tình chây ì, trốn đóng BHXH hay vì khó khăn hoặc vì nguồn tiền kinh doanh chưa về kịp nên chậm đóng BHXH cho người lao động.

“Nếu các DN vì khó khăn mà không đóng được bảo hiểm cho người lao động thì cơ quan BHXH từ trước tới nay vẫn tạo điều kiện để DN từng bước thực hiện”, ông Nam khẳng định.

 

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo congluan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.