Theo BHXH TPHCM, TP có 63.309 đơn vị, doanh nghiệp đóng BHXH với gần 2 triệu lao động tham gia BHXH. Mỗi năm, có trên 1 triệu lượt người ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức và trong năm 2015, quy mô số tiền chi trả là hơn 1.205 tỷ đồng. Nếu tất cả những người nhận trợ cấp ngắn hạn đều lãnh tiền qua tài khoản cá nhân thì mỗi năm, TP tiết kiệm được cả triệu lượt giao dịch.
Tiện lợi
Anh Nguyễn Thanh Phải (28 tuổi, ngụ quận Bình Tân) làm tại một công ty ở quận 2. Đầu năm 2016, anh nghỉ việc. Sau khi đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM (thuộc Sở LĐTB-XH), anh Phải nhận Quyết định trợ cấp thất nghiệp, còn tiền trợ cấp đã được BHXH TPHCM trả trực tiếp vào tài khoản cá nhân của anh. “3 tháng qua, hàng tháng tiền trợ cấp tự động “bắn” vào tài khoản của tôi, tôi không phải chờ đợi để lãnh tiền mặt. Thật là tiện lợi”, anh Phải nhận xét. Giống như anh Phải, chị Trương Tuyết Minh (44 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cũng vừa nhận trợ cấp thất nghiệp hàng tháng qua thẻ ATM, không cần phải chờ đợi lãnh tiền trực tiếp như trước đây. Từ đầu năm đến nay, TPHCM có 36.563 người hưởng thất nghiệp với số tiền hơn 439 tỷ đồng, tất cả được nhận qua ATM.
Làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm xã hội. |
Trợ cấp thất nghiệp là chế độ chính sách đầu tiên trong nhóm các trợ cấp ngắn hạn thực hiện chi trả qua tài khoản cá nhân của người lao động. TPHCM cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện. Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết từ năm 2010 đến nay, TP đã không chi trả trợ cấp thất nghiệp bằng tiền mặt mà lãnh qua thẻ của Ngân hàng Đông Á. Tháng đầu tiên, người lao động thông tin số tài khoản của Ngân hàng Đông Á nếu có. Trường hợp chưa có thì sẽ làm thủ tục mở tài khoản cùng lúc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Từ tháng thứ hai trở đi, khi người lao động đến đăng ký thất nghiệp thì Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM lập danh sách những người lao động đến đăng ký thất nghiệp để BHXH chuyển tiền.
Ốm đau, thai sản cũng lãnh tiền qua ATM
Đặc biệt, từ cuối năm 2015, TPHCM bắt đầu thí điểm chi trả trợ cấp ngắn hạn (ốm đau, thai sản, dưỡng sức) qua tài khoản cá nhân người lao động ở một số doanh nghiệp. Dựa trên danh sách người ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức mà doanh nghiệp chuyển tới qua giao dịch điện tử (dùng chữ ký số), cơ quan BHXH trực tiếp chi trả trợ cấp vào tài khoản của từng người lao động. Bước đầu, BHXH TPHCM thí điểm thu thập ở một số công ty, trong hai tháng 5 và 6-2016 đã thu thập được hơn 200.000 số tài khoản cá nhân. Trước tiên là số tài khoản cá nhân của toàn bộ 1.342 lao động ở chính BHXH TPHCM; tiếp đó là Công ty TNHH Lotteria (520 người), Công ty TNHH Wooyang Vina II (1.808 người), Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (3.192 người)… Doanh nghiệp đông công nhân nhất là Công ty PouYuen, với 83.000 lao động, cũng đã tập hợp danh sách tài khoản của toàn đơn vị chuyển tới BHXH TPHCM. Ngay trong tháng 6-2016, cả ngàn công nhân Công ty PouYuen đã được nhận trợ cấp ốm đau, thai sản qua thẻ.
“Cơ quan BHXH TPHCM bớt việc, giảm được số giờ giao dịch của doanh nghiệp với BHXH theo yêu cầu cải cách hành chính của Chính phủ. Với doanh nghiệp, trước đây lãnh tiền của BHXH rồi trả lại cho người lao động là một phần việc tốn thời gian của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ bớt được mảng việc này khi BHXH TPHCM trả tiền trực tiếp qua tài khoản người lao động, không cần “gửi” qua doanh nghiệp. Với người lao động, họ sẽ nhận được tiền kịp thời và đặc biệt là không sợ bị doanh nghiệp chiếm dụng như trước đây đã từng xảy ra ở một số nơi”, ông Trần Dũng Hà, Trưởng phòng Chế độ BHXH, chia sẻ.
Cũng theo ông Trần Dũng Hà, thẻ ATM người lao động cung cấp cho BHXH TPHCM không chỉ để nhận trợ cấp ngắn hạn. Về lâu dài, khi người lao động nghỉ việc, họ sẽ dùng luôn thẻ tài khoản này để nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp 1 lần rồi cả chế độ hưu trí… Số tài khoản này sẽ đi theo, kết nối giữa BHXH TPHCM với người lao động đến khi người lao động qua đời mới dừng giao dịch.
Hiện 100% các doanh nghiệp FDI đã trả lương qua thẻ ATM, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cũng thực hiện tốt việc trả lương qua thẻ ATM. Tuy nhiên, với các đơn vị có số lao động ít, quy mô nhỏ, chưa thực hiện trả lương qua tài khoản ATM thì việc thu thập khó khăn hơn. Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, BHXH TPHCM có 2 phương án: doanh nghiệp, đơn vị tự liên hệ với bất cứ ngân hàng nào để mở tài khoản cho người lao động. Chi phí mở thẻ do cơ quan BHXH chi trả. Trường hợp thứ hai, nếu đơn vị không thực hiện được, BHXH TPHCM sẽ chỉ định ngân hàng mở tài khoản cho tất cả lao động còn lại chưa có tài khoản, chi phí mở thẻ do cơ quan BHXH chi trả. |
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo saigondautu.com.vn)