Để đạt được mục tiêu mới do Chính phủ giao phó đến năm 2018, cả nước đạt chỉ tiêu bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) trên 90%, thì việc đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHYT là vô cùng quan trọng với một số Bộ ngành liên quan.
Nhiều khó khăn khi thực hiện
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến nay, trên cả nước có khoảng 70,8 triệu người tham gia BHYT, tăng 0,83 triệu người so với năm 2015.
Tuy nhiên, còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc trong phát triển đối tượng tham gia BHYT, như: Việc huy động các nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trước mắt là hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại của các đối tượng thuộc hộ cận nghèo tại một số tỉnh, thành phố còn hạn chế (còn 10 tỉnh chưa hỗ trợ, 12 tỉnh hỗ trợ từ 10-20%); hầu hết các địa phương chưa hỗ trợ được hộ nông-lâm-ngư-diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình đông con khó khăn về kinh tế…
Bên cạnh đó, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế còn chậm và chưa bảo đảm sự công bằng giữa những người bệnh có thẻ BHYT và người chưa tham gia BHYT, chưa tạo được động lực khuyến khích người dân tham gia BHYT. Đồng thời, chưa có giải pháp phù hợp để bảo đảm quyền lợi được tham gia BHYT cho các đối tượng sinh sống ở các vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc diện vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT vẫn còn khá phổ biến ở một số doanh nghiệp có đông người lao động, không chỉ ảnh hưởng tới nguồn thu của BHYT mà còn ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.
Kiến nghị nhiều giải pháp
Cũng theo BHXHVN, để đẩy nhanh công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT nhằm đạt được chỉ tiêu mới mà Chính phủ giao thì trước tiên phải duy trì và phát triển bền vững các nhóm đối tượng đã và đang tham gia BHYT, đồng thời triển khai với các nhóm đối tượng còn lại.
Ở góc độ chính sách, ngành BHXH sẽ đề nghị Chính phủ giao cho BHXH Việt Nam chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách và đề xuất các giải pháp phù hợp với thực tiễn, với điều kiện kinh tế-xã hội từng giai đoạn, từng địa phương.
Đồng thời, để thuận lợi và tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT, sẽ mở rộng và đa dạng hóa mạng lưới đại lý thu BHYT, có thể huy động các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức khác, các cơ sở y tế từ tuyến xã trở lên, các điểm, trạm bưu điện… tham gia vào mạng lưới đại lý BHYT, bảo đảm cho người dân có thể mua BHYT tại bất kỳ đại lý thu BHYT nào trên phạm vi cả nước theo quy định của Luật BHYT.
Đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ cho phép các thành viên trong một hộ gia đình được tham gia BHYT tại các thời điểm khác nhau trong năm tài chính và vẫn được giảm trừ mức đóng theo quy định của Luật BHYT.
Cùng với các giải pháp trên, ngành y tế phải xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể điều chỉnh giá dịch vụ y tế, bảo đảm sự công bằng giữa các đối tượng có và không có BHYT, đồng thời, đẩy mạnh nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục khám, chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ để thu hút người dân tích cực hơn nữa trong việc tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, BHXHVN sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân.
BHXHVN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu để sớm ban hành bổ sung cơ chế, chính sách tham gia BHYT đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng; xem xét, đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên và nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho y tế hằng năm theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế; với Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, bảo đảm đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT; cùng với các tỉnh, thành phố tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ xã tới huyện, tỉnh đối với công tác BHYT.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo congluan.vn)