Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện tại, đối với khối phi nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) chủ yếu đến từ những hợp đồng dự án do nhân viên ngân hàng giới thiệu, chứ không phải nhân viên bảo hiểm trực tiếp bán. Nhưng các công ty bảo hiểm vẫn kỳ vọng có thể đưa bancassurance thành kênh đóng góp doanh thu quan trọng.
Ngoài những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có lợi thế riêng khi bán bảo hiểm qua ngân hàng như MIC, BIC, PVI, ABIC…, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã đẩy mạnh việc hợp tác với các ngân hàng nhằm phát triển kênh bán hàng đầy tiềm năng này, trong đó, tập trung xây dựng và phát triển dòng sản phẩm bảo hiểm riêng biệt chuyên bán qua ngân hàng,
Mới đây nhất, PTI và VPBank kết hợp cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm cao cấp VP – Master Care, dành riêng cho nhóm khách hàng VIP của VPBank. Đại diện PTI cho biết, đây là dòng sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ với các quyền lợi bảo hiểm khá hấp dẫn như: chi trả chi phí chữa bệnh tại tất cả bệnh viện trên toàn thế giới, miễn phí dịch vụ cấp cứu SOS, quyền lợi bảo hiểm lên đến 6 tỷ đồng, bảo lãnh viện phí tại các bệnh viện hàng đầu ở Thái Lan, Singapore, Malaysia….
Trong khi đó, Bảo Minh với thế mạnh nghiệp vụ riêng cũng đã phối hợp với một số ngân hàng bán bảo hiểm bảo lãnh. Năm ngoái, công ty bảo hiểm này cũng bắt tay với nhà tái bảo hiểm Coface và Eximbank để bán bảo hiểm tín dụng thương mại…
Thực tế, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đang ngày càng trở nên cạnh tranh khi các công ty bảo hiểm đều nhận thấy rằng việc kết nối và hợp tác với ngân hàng để khai thác nguồn khách hàng tiềm năng là một trong những chiến lược rất quan trọng không thể bỏ qua. Các sản phẩm bảo hiểm được cung cấp qua kênh ngân hàng cũng được điều chỉnh cho phù hợp hơn với cách thức bán hàng của nhân viên ngân hàng.
Đặc biệt, bên cạnh những sản phẩm thông thường khác như bảo hiểm ô tô, bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ, để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau, hiện nay các ngân hàng đã bắt đầu đặt hàng các doanh nghiệp bảo hiểm nghiên cứu và xây dựng các dòng sản phẩm phục vụ riêng cho từng nhóm khách hàng của mình. Bảo hiểm cao cấp VP – Master care dành riêng cho nhóm khách hàng VIP của VPBank là một trong những dòng sản phẩm bảo hiểm như vậy.
Cũng như khối bảo hiểm nhân thọ, việc bắt tay giữa công ty bảo hiểm phi nhân thọ với các ngân hàng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Đối với ngân hàng, không chỉ là đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ để cung cấp cho khách hàng, mà quan trọng hơn họ có thêm nguồn thu phí dịch vụ khá lớn từ các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần đến hệ thống ngân hàng nhằm tiếp cận với nhóm khách hàng tiềm năng, qua đó, thúc đẩy doanh thu phí bảo hiểm.
Kênh bancassurance hiện cũng được xem là một trong số kênh phân phối đem lại tỷ trọng doanh thu lớn của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Tùy từng doanh nghiệp mà tỷ trọng doanh thu phí từ kênh này chiếm khoảng từ 10% đến hơn 20% và được kỳ vọng sẽ còn gia tăng trong tương lai. Hiện một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thậm chí còn đặt mục tiêu bancassurance sẽ đóng góp 50% doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới.
Cũng như khối nhân thọ, việc các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang đổi hướng tập trung nhiều hơn cho bancassurance sẽ tạo cho khách hàng nhiều sự lựa chọn mới. Để lựa chọn một doanh nghiệp bảo hiểm được ưu tiên cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên hệ thống, các ngân hàng thường đưa ra rất nhiều tiêu chí về uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm, về sản phẩm cung cấp, khả năng phục vụ khách hàng, tỷ lệ hoa hồng…. Do đó, khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng của các doanh nghiệp bảo hiểm mà ngân hàng đề xuất.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo tinnhanhchungkhoan.vn)