Hôm nay (29/6), các cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ chính thức kết nối giao dịch điện tử trong thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Liệu hoạt động này có thực sự là bước đột phá, hạn chế được tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh tham gia BHYT?
|
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh những vấn đề này.
Việc đưa hệ thống thông tin giám định BHYT đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi ích cho người bệnh như thế nào, thưa ông?
Hệ thống thông tin giám định BHYT đi vào hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp người bệnh giảm thời gian chờ khám bệnh và thanh toán viện phí. Người bệnh sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về chi phí được quỹ BHYT chi trả, chủ động tham gia giám sát quyền lợi được hưởng. Bên cạnh đó, các chi phí ngoài quy định cũng được phát hiện và xử lý kịp thời, tránh được tình trạng lạm dụng quỹ BHYT.
Cụ thể, khi người bệnh đi khám, tất cả thông tin hành chính, chi phí khám chữa bệnh sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu của bệnh viện. Các dữ liệu này sẽ được chuẩn hóa theo định dạng chuẩn của danh mục dùng chung thống nhất trên toàn quốc. Sau đó, các thông tin từ phần mềm quản lý bệnh nhân tiếp tục được truyền tới 1 máy tính (do cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) đặt tại bệnh viện) nhằm tiếp nhận nhánh riêng về chi phí khám chữa bệnh BHYT và chuyển về cổng tiếp nhận của BHXH Việt Nam.
Lúc này, cơ quan BHXH các tỉnh, huyện đều có thể cập nhật, tiếp nhận dữ liệu, tiến hành giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT. Tiện ích phần mềm giám định sẽ lọc ra những chi phí trùng lặp, sai giá (trước đây giám định viên phải dò từng dòng để phát hiện); đồng thời, cũng sẽ “mách” cho cán bộ BHXH những dấu hiệu nghi ngờ để tổ chức giám định tập trung thông qua bệnh án tại bệnh viện và đi đến kết luận cuối cùng về việc có lạm dụng hay không… Đặc biệt, người bệnh có thể tự tra cứu về chi phí khám chữa bệnh của mình bằng cách truy cập vào web của BHXH Việt Nam và làm theo hướng dẫn. Họ sẽ biết mình được chỉ định làm những dịch vụ y tế gì, thực tế có được làm những dịch vụ đó không và chi phí khám chữa bệnh cụ thể là bao nhiêu… Đương nhiên, mọi thông tin về sức khỏe của người bệnh sẽ được giữ bí mật tuyệt đối.
Đến nay, đã có bao nhiêu đơn vị trong số 14.000 cơ sở y tế trên toàn quốc kết nối với hệ thống thông tin giám định BHYT? Với những cơ sở y tế chậm trễ kết nối có tạm dừng thanh toán BHYT không, thưa ông?
Đến nay, hầu như 14.000 cơ sở khám chữa bệnh đều đã kết nối với hệ thống thông tin giám định BHYT. Cơ sở y tế nào còn chậm trễ, không chuẩn hóa và chiết xuất các dữ liệu theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thì sẽ gặp vướng mắc trong quá trình thanh toán BHYT. Điều đó đồng nghĩa với việc cơ sở y tế đó sẽ bị chậm thanh toán BHYT, phải quay lại với việc chờ giám định BHYT theo phương thức thủ công, mất thời gian ở các khâu in báo cáo, tổ chức giám định hồ sơ…
Ngày 1/7, hệ thống thông tin giám định này sẽ chính thức đi vào hoạt động, đây cũng là thời điểm mở đầu của quý III và bắt đầu chu trình thanh toán BHYT quý II. Do đó, tới đây, cơ quan BHXH Việt Nam sẽ biết chính xác có bao nhiêu cơ sở y tế thực sự “vào cuộc”, đưa đầy đủ các dữ liệu vào cổng thông tin giám định BHYT đúng như quy định.
Liệu kết quả thông tin có thống nhất không khi hiện nay một số địa phương sử dụng phần mềm và mạng viễn thông khác nhau, thưa ông?
Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thống nhất nguyên tắc mã hóa về danh mục dùng chung chuẩn dữ liệu đầu ra và đều có hướng dẫn cụ thể đối với các cơ sở y tế. Do đó, việc kết nối kết nối vào hệ thống thông tin giám định BHYT hoàn toàn đảm bảo tính thống nhất về kết quả thông tin và không ảnh hưởng đến phần mềm quản lý của các bệnh viện.
Thực tế, từ ngày 25/6, cổng tiếp nhận của BHXH Việt Nam đã tiến hành tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT từ các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc. Qua đó cho thấy hệ thống hoạt động trực tuyến đã hoạt động hiệu quả, cung cấp các công cụ giúp cơ sở y tế khai thác thông tin, tra cứu thẻ BHYT, lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh BHYT và quản lý thông tuyến trên phạm vi toàn quốc, giúp cho việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT hiệu quả, kịp thời hơn trước đây.
Xin cảm ơn ông!