Tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT) với nhiều chiêu mánh khác nhau làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ y tế, gây lãng phí trong chi trả bảo hiểm, tạo sự mất công bằng đối với những người tham gia BHYT… Điều này đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc làm lành mạnh hóa quyền lợi của người tham gia BHYT.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cương quyết không chỉ trả BHYT cho những dịch vụ kém chất lượng.
Thanh tra những cơ sở y tế “rút ruột” BHYT
Trong thời gian qua, một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã sử dụng chiêu khám bệnh được tặng quà để kéo bệnh nhân đến với cơ sở khám chữa bệnh của mình; chỉ định thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng không cần thiết, vô tội vạ; khám bệnh vượt quá số lượng quy định trong ngày… Những cách làm này, chỉ cốt để “rút ruột” quỹ BHYT.
Trước thực tế trên, tại Hội nghị cung cấp thông tin về kết quả tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, BHYT 6 tháng đầu năm 2016 và định hướng công tác tuyên truyền 6 tháng cuối năm do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ổ chức tại TP.HCM hôm 24.6, ông Lê Văn Phục (Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho hay sẽ không chi trả BHYT cho những trường hợp trên.
“Sắp tới đây chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra quá trình cung cấp dịch vụ ở các cơ sở y tế. Những cơ sở y tế có nhiều chỉ định thực hiện kỹ thuật cận lâm sàng nhưng không phát hiện bệnh, chúng tôi sẽ đề nghị cắt giảm các chỉ định không cần thiết. Các cơ sở y tế không thể lạm dụng việc chỉ định thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng một cách vô tội vạ, không cần thiết để rồi kết quả vẫn không đi đến đâu. Đồng thời chúng tôi cũng sẽ kiểm tra chất lượng đội ngũ y bác sĩ. Riêng đối với việc khám bệnh, quy định mỗi bàn khám tối đa chỉ khám 35 bệnh nhân/ngày, các cơ sở y tế quá tải chỉ có thể khám 50 bệnh nhân, nếu khám cao hơn chúng tôi sẽ xem xét việc chi trả BHYT”, ông Phục nói.
“Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp với các Sở Y tế và Bộ Y tế để thanh-kiểm tra kỹ những vấn đề trên. Chúng ta không thể để việc chi trả BHYT cho những dịch vụ y tế kém chất lượng như thế”, ông Phục nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm là tình trạng bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở nhiều cơ sở y tế trong 1 ngày.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền – Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết từ đầu năm 2016, khi có quyết định thực hiện thông tuyến quận – huyện, có không ít bệnh nhân trong một ngày đến nhiều cơ sở y tế để khám chữa bệnh, chủ yếu là để lấy thuốc bán, gây ra sự lãng phí trong chi trả bảo hiểm, không công bằng trong việc hưởng thụ của những người tham gia BHYT.
Theo bà Huyền, để xử lý tình trạng một bệnh nhân đến khám, chữa bệnh BHYT trong ngày tại nhiều cơ sở y tế, TP.HCM đang hoàn gấp rút hoàn chỉnh hệ thống phần mềm liên thông dữ liệu giữa bảo hiểm xã hội và các cơ sở khám chữa bệnh. “Đến ngày 1.7 tới, các cơ sở y tế nào của TP không chiết xuất dữ liệu BHYT thì bảo hiểm xã hội TP sẽ chưa thanh toán tiền bảo hiểm”, bà Huyền cho biết.
Doanh nghiệp sẽ tham gia làm đại lý BHYT
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 5.2016 cả nước có 70,95 triệu người tham gia BHYT, chỉ mới đạt 98,3% so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cũng chỉ mới bao phủ được 77% dân số.
Ông Phạm Lương Sơn – Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng sở dĩ số người tham gia BHYT chưa đạt được yêu cầu đề ra của Chính phủ là do bảo hiểm xã hội chưa có quyền lực đầy đủ để mở rộng người tham gia BHYT.
“Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa được giao đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn để có thể chủ động, tích cực hơn trong việc tham mưu, xây dựng cơ chế, chính sách, đề xuất những giải pháp phù hợp để phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT ”, ông Sơn cho biết.
Ông Sơn cho hay trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ mở rộng và đa dạng hóa mạng lưới đại lý thu BHYT. Theo đó, ngoài các đơn vị thực hiện chức năng làm đại lý thu BHYT, sẽ huy động các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức khác, các cơ sở y tế từ tuyến xã trở lên… tham gia vào mạng lưới đại lý BHYT. Điều này sẽ góp phần đảm bảo cho người dân có thể mua BHYT tại bất kỳ đại lý thu BHYT nào trên phạm vi cả nước theo quy định của Luật BHYT.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng kêu gọi chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân thuộc hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình.
“Thực tế nhiều hộ gia đình này vẫn gặp kinh tế khó khăn nên không có điều kiện tham gia mua BHYT. Đây chính là lý do khiến nhóm người tham gia BHYT theo hộ gia đình còn rất thấp, chưa đạt như mong muốn dẫn đến số lượng người tham gia BHYT nói chung chưa đạt chỉ tiêu đề ra”, ông Sơn nói.
Hồ Quang
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo trithuccongluan.com.vn)