Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1.7: Hết thời trốn đóng bảo hiểm

Nói về quy định người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm cho người lao động sẽ bị phạt tù trong Bộ luật hình sự 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7 tới đây, Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng Luật đã có, hy vọng quyền được đóng bảo hiểm của người lao động sẽ được thực thi nghiêm túc.

Thưa ông, từ ngày 1.7.2016, Bộ luật hình sự sẽ có hiệu lực, trong đó quy định người nào trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (bảo hiểm) cho người lao động sẽ bị bỏ tù được dư luận quan tâm. Vậy theo ông khi bộ luật này có hiệu lực thi hành, liệu tình trạng trốn đóng, chây ỳ bảo hiểm có chấm dứt không thưa ông?
Tình trạng trốn đóng bảo hiểm cho người lao động những năm qua rất phổ biến và tạo ra nhiều hệ lụy rất tiêu cực. Nếu trốn thuế chỉ gây mất nguồn thu ngân sách, thì trốn đóng bảo hiểm còn tác động trực tiếp đến quyền lợi của những người lao động nghèo. Nhiều người lao động rơi vào thế yếu nên bị các ông chủ tìm các chiêu thức để không ký hợp đồng chính thức, không bảo đảm các điều kiện về lao động nên các chế độ, chính sách cho người lao động bị cắt cúp, mất mát so với quyền đáng ra họ được hưởng. 
Nay, kể từ ngày 1.7.2016, Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực đã có quy định tại Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Theo đó trách nhiệm hình sự được quy định cho cả cá nhân và pháp nhân khi có các hành vi trốn đóng bảo hiểm với hình phạt tương đối nghiêm khắc. Cụ thể, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm mà trốn đóng bảo hiểm có thể bị xử phạt với mức cao nhất lên đến 07 năm tù. Pháp nhân thì có thể bị phạt mức cao nhất lên đến 03 tỷ đồng. 
Chúng tôi cho rằng, khi Bộ luật hình sự mới có hiệu lực thì các doanh nghiệp buộc phải có sự nhận thức đúng đắn hơn về nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, nếu không chế tài đối với họ thực sự nghiêm khắc có thể bị áp dụng. Tuy nhiên, tình trạng trốn đóng bảo hiểm có chấm dứt được hay không lại không phải chỉ ở các chế tài được ban hành, mà chúng ta có các hệ thống phối hợp đồng bộ để quyền lợi của người lao động thực sự được đảm bảo.  
Vậy, để bộ luật thực sự đi vào cuộc sống, “không bị nhờn” và mọi người sử dụng lao động phải tuân thủ việc đóng bảo hiểm cho người lao động, theo ông các cơ quan chức năng phải có những biện pháp như thế nào? 
Vấn đề giám sát hoạt động của doanh nghiệp làm sao để đảm bảo sự tuân thủ luật lệ là điều rất cần thiết từ các cơ quan chức năng. Nếu chúng ta có các hoạt động giám sát, kiểm tra một cách thiết thực thông qua các cách thức mà luật cho phép thì sẽ phần nào giám sát được việc tuân thủ pháp luật. Hoạt động của thanh tra lao động và các cơ quan quản lý nhà nước về lao động cần năng động hơn nữa trong vấn đề theo dõi, giám sát việc tuân thủ pháp luật lao động, bảo hiểm. Chúng ta thường nắm thông tin từ người sử dụng lao động nhưng lại ít nắm bắt thông tin từ chính những người lao động nên việc quản lý không đến nơi, không sâu sát đến điều kiện của từng lao động dẫn đến quyền lợi của họ ít khi được bảo vệ một cách thiết thực. 
Bên cạnh quy định của pháp luật đối với việc người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, theo ông người lao động cần có động thái như thế nào để bảo vệ quyền lợi cho bản thân? 
Chuyện đóng bảo hiểm những năm qua các doanh nghiệp không sợ, chưa làm đúng và coi nhẹ luật lệ là bởi họ nắm quá nhiều lợi thế so với người lao động. Người lao động ở thế yếu nên không cam chịu cũng phải chấm nhận những thỏa thuận trái luật và các thỏa thuận này rất bất lợi đối với họ. Nói người lao động phải vùng lên, phải tố cáo doanh nghiệp làm trái luật thì ngày mai ai lo việc làm, ai trả lương cho họ? Đó là một nghịch lý cần được thấu hiểu. Chúng ta cần người lao động lên tiếng, nhưng chủ yếu chúng ta chỉ nhận ra sự bất công khi mâu thuẫn tranh chấp giữa người lao động với doanh nghiệp đã nổ ra. Còn hàng ngày, khi quan hệ lao động đang tồn tại những sự bất công như không được đóng bảo hiểm các loại vẫn chỉ mình người lao động chịu trận. 
Theo ông vai trò của tổ chức công đoàn trong việc này như thế nào?
Để bảo vệ người lao động thì vai trò của tổ chức công đoàn trong những trường hợp như thế này rất quan trọng. Chúng ta đã vào TPP, câu chuyện về công đoàn độc lập rất ý nghĩa nhưng cơ bản cần có hệ thống quy phạm đủ mạnh mẽ để xây dựng công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy cho người lao động. Sức ép của TPP yêu cầu công đoàn của Việt Nam phải thực sự độc lập là nền tảng cho người lao động có thể trông cậy được bảo vệ quyền lợi. Trước nay, công đoàn do chính người sử dụng lập ra nên có ý nghĩa không lớn như kỳ vọng. Đối với những trường hợp cần bảo vệ quyền lợi sẽ có những xung đột giữa quyền lợi người lao động với người sử dụng lao động mà công đoàn đứng giữa không đủ độc lập sẽ rất khó để hoàn thành sứ mệnh của mình. Luật đã có, nếu có thêm một công đoàn mạnh mẽ và độc lập bảo vệ lợi quyền cho người lao động nữa, thì hy vọng quyền được đóng bảo hiểm rất chính đáng của người lao động được thực thi nghiêm túc.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo laodong.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.