Theo báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ước đến tháng 6-2016, số nợ cả nước đã lên đến hơn 12.000 tỷ đồng (chiếm 5,15 % kế hoạch giao thu).
Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là 12,3 triệu người, BHXH tự nguyện là 197 nghìn người và bảo hiểm y tế (BHYT) là 72,2 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 78,3% dân số.
Theo ước tính của BHXH Việt Nam, số thu 6 tháng đầu năm của toàn ngành đạt hơn 113.000 tỷ đồng (đạt 48,15% so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao). Bên cạnh đó số chi trong khoảng thời gian này ước tính 103.000 tỷ.
Đáng chú ý, số nợ ước đến 30-6-2016 là 12.102,6 tỷ đồng, chiếm 5,15% so với kế hoạch giao thu. Trong đó nợ BHXH 8.573,8 tỷ đồng, nợ BH thất nghiệp 529,4 tỷ đồng và nợ BHYT 2.999,4 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, BHXH Việt Nam đã giải quyết chế độ BHXH cho 3,64 triệu lượt người; Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho 65,3 triệu lượt người, tăng 4,7 triệu lượt người (7,8%) so với cùng kỳ năm 2015.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, Luật BHXH đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016, một số nội dung giao cho các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn. Việc chậm ban hành các quy định này dẫn đến một số quy đinh của Luật BHXH chậm được triển khai, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, đồng thời tạo áp lực lớn lên cơ quan BHXH.
Bên cạnh đó, đối với công tác thu và phát triển đối tượng, tuy số người tham gia BHXH có tăng so với năm 2015 (khoảng 220.000 người) nhưng tốc độ tăng chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Tình trạng trốn đóng BHXH vẫn diễn ra khá phổ biến, nợ BHXH vẫn ở mức cao.
Theo BHXH Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên bởi trong năm, nền kinh tế tuy đã có dấu hiệu phục hồi nhưng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn nên việc phát triển đối tượng tham gia chậm, số doanh nghiệp thành lập mới chưa nhiều hoặc có thành lập nhưng quy mô không lớn, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc phải tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản dẫn đến cắt giảm lao động, nợ đóng, chậm đóng BHXH.
Mặt khác, tuy tại hầu hết các địa phương đều đã xây dựng được cơ chế phối hợp giữa cơ quan BHXH với các sở, ngành liên quan nhưng tính ràng buộc không cao dẫn đến việc nắm bắt, quản lý biến động lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc còn hạn chế, chưa xác định được chính xác đối tượng phải tham gia.
BHXH Việt Nam cũng nhân định rằng, tính tuân thủ pháp luật về BHXH của chủ sử dụng lao động chưa cao, chưa thực hiện đúng các quy định về khai trình lao động, còn phổ biến tình trạng ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 3 tháng nhiều lần để trốn đóng BHXH.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohaiquan.vn)